An Giang ước đạt xuất siêu gần 237 triệu USD trong 3 tháng đầu năm
Trong quý 1/2023, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh An Giang như gạo, thủy sản, may mặc... đều có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang Nguyễn Minh Hùng cho biết trong 3 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của tỉnh ước đạt 333,6 triệu USD, tăng 7,78% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu tăng 7,72%; nhập khẩu tăng 8,08%.
Cán cân thương mại hàng hóa 3 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 236,8 triệu USD.
Cụ thể, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 114,15 triệu USD, tăng 2,84% so tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2023 tăng 7,33%.
Tính chung 3 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 285,2 triệu USD, tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu đạt 48,4 triệu USD, tăng 8,08% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng khối doanh nghiệp, xuất nhập khẩu ước đạt 302 triệu USD, tăng 5,11% so cùng kỳ năm trước; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 254 triệu USD, tăng 4,56% so cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 48,4 triệu USD, tăng 8,08% so với cùng kỳ.
Mặt hàng gạo, ước sản lượng xuất khẩu tháng 3/2023 đạt 50.200 tấn, tương đương 27,5 triệu USD; ước kim ngạch xuất khẩu gạo trong quý 1/2023 đạt 143.300 tấn, tương đương 79 triệu USD; so với cùng kỳ tăng 9,14% về sản lượng và tăng 11,72% về kim ngạch.
Sản lượng xuất khẩu cá phi lê ước đạt 10.400 tấn, tương đương 28,58 triệu USD.
Xuất khẩu thủy sản đạt 31.760 tấn, tương đương 87 triệu USD, so với cùng kỳ tăng 2,58% về sản lượng và tăng 2,75% về kim ngạch.
Hộ kinh doanh xuất khẩu thủy sản nguyên con ước đạt 12.000 tấn, tương đương 17 triệu USD, tăng 8,75% về lượng và tăng 7,40% về kim ngạch.
Hàng may mặc (quần áo, balo...) xuất khẩu đạt 13 triệu USD. Xuất khẩu hàng may mặc vẫn tiếp tục duy trì sự ổn định và tăng trưởng ở thị trường Mỹ.
Riêng mặt hàng giày dép, do ảnh hưởng giảm đơn đặt hàng xuất khẩu từ hàng Adidas, doanh nghiệp giảm lao động nên kim ngạch xuất khẩu quý 1/2023 ước đạt 5,2 triệu USD, giảm 17,5% về kim ngạch so cùng kỳ.
Ngoài ra vẫn còn một số mặt hàng xuất khẩu khác trong quý 1/2023 có kim ngạch xuất khẩu khá như phân bón các loại khoảng 6,3 triệu USD; sắt thép 1,5 triệu USD; thuốc lá gói 4,4 triệu USD...
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu quý 1/2023 ước đạt 48 triệu USD, tăng 7,19% về kim ngạch so cùng kỳ.
Mặt hàng nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm 2023 chủ yếu là nguyên vật liệu hàng may mặc (đạt 18,5 triệu USD, tăng 8,18% về kim ngạch so với cùng kỳ), thuốc trừ sâu và nguyên liệu (đạt 9,3 triệu USD, tăng 5,65% về kim ngạch so với cùng kỳ).
Trong 3 tháng đầu năm 2023, châu Á tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của tỉnh An Giang (chiếm hơn 80% trong tổng lượng xuất khẩu), kế đến là châu Phi, châu Âu, châu Mỹ và châu Đại Dương. Tính chung quý 1/2023, cán cân thương mại hàng hóa của tỉnh An Giang ước tính xuất siêu 236,8 triệu USD.
Năm 2023, An Giang phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 1,17 tỷ USD. Để đạt mục tiêu này, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị sẽ tập trung tăng cường các hoạt động xúc tiến xuất khẩu theo hướng chú trọng mở rộng thị trường, nhất là đối với các thị trường tiềm năng và thị trường mới nổi. Tập trung phát triển hệ thống logistics An Giang. Tăng cường kết nối với các tham tán thương mại của Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan ngoại giao để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, Việt Nam hiện có 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, ở cả cấp độ song - đa phương và đang trong quá trình đàm phán 2 hiệp định thương mại tự do, qua đó thiết lập quan hệ thương mại tự do với nhiều đối tác thương mại hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, trước tình hình này, An Giang tiếp tục có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp.
Đồng thời, tỉnh xác định nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, bởi đây là lĩnh vực có nhiều triển vọng phát triển trong bối cảnh giá lương thực toàn cầu tăng, thị trường xuất khẩu của tỉnh ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn còn sản xuất nhỏ và phân tán, chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm còn yếu...
Ngành công nghiệp phụ trợ của tỉnh chưa phát triển mạnh do năng lực tổ chức, quản lý và công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp sản xuất chính. Vì vậy, để ngành công nghiệp phụ trợ phát triển hơn nữa, An Giang tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, khuyến khích doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài trên cơ sở phát huy thế mạnh và khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
"Tiếp tục duy trì và phát huy thế mạnh giao thương khu vực biên giới", ông Thư nhấn mạnh.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Đầu tư Online)