Ấn Độ từ chối nhập cảnh máy bay viện trợ của Nhật tới Ukraine
Ngày 21-4, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết chuyến bay viện trợ của nước này dành cho những người tị nạn Ukraine đã bị hoãn sau khi Ấn Độ từ chối cho phép máy bay của Nhật nhập cảnh.
Báo SCMP cho biết theo lịch trình ban đầu, máy bay của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (JGSDF) sẽ nhận các mặt hàng cứu trợ của Văn phòng Liên Hiệp Quốc tại Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Sau đó, họ sẽ di chuyển chúng đến Ba Lan và Romania, nơi có đường biên giới gần với Ukraine .
Tuy nhiên, trong buổi họp sáng 21-4 của Hội đồng nghiên cứu chính sách Đảng Dân chủ tự do Nhật Bản (LDP), Bộ trưởng Bộ Nội vụ và truyền thông Sanae Takaichi cho biết:
"Kế hoạch vận chuyển viện trợ của máy bay JGSDF đã bị Chính phủ Ấn Độ từ chối và Nhật Bản không thể nhận đồ tiếp tế".
Bà Takaichi cho biết thêm việc Ấn Độ từ chối cho máy bay Nhật nhập cảnh sẽ dẫn đến kế hoạch điều động máy bay của Nhật vào cuối tháng 4 bị chậm trễ.
Cũng trong buổi họp của LDP, một số thành viên của đảng cho rằng việc Ấn Độ từ chối máy bay Nhật là do New Delhi đang phụ thuộc quân sự và năng lượng của Nga, theo nhật báo Asahi .
Nhận định của các thành viên Đảng LDP được đưa ra dựa trên bối cảnh Ấn Độ đang có mối quan hệ tốt với Nga.
Trên thực tế, Ấn Độ đã không tham gia vào các lệnh trừng phạt đối với Nga để phản đối chiến dịch quân sự của Matxcơva ở Ukraine, mặc cho Ấn Độ và Nhật cùng là thành viên của QUAD (Bộ tứ kim cương) cùng với Mỹ và Úc.
Theo báo Hindustan Dainik , Bộ Ngoại giao Ấn Độ vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về vấn đề này.
Tờ báo Ấn Độ này cho biết thêm cho tới nay Ấn Độ vẫn không công khai ủng hộ bất kỳ bên nào và kêu gọi giải quyết các vấn đề bằng đối thoại.
Dù bị Ấn Độ từ chối cho nhập cảnh lần này, theo báo SCMP nhận định, Nhật Bản sẽ vẫn nỗ lực điều động máy bay để viện trợ cho người tị nạn Ukraine nhằm hoàn thành nhiệm phụ của Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn đề ra.
Nhật Bản cũng sẽ sử dụng các chuyến bay thương mại để viện trợ cho Ukraine mặt nạ và quần áo bảo hộ nhằm bảo vệ Ukraine trước các nguy cơ vũ khí hóa học, Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi cho biết vào đầu tuần này.
Văn phòng Thủ tướng Đức đã gạt một số loại vũ khí hạng nặng ra khỏi danh sách các khí tài quân sự mà Đức sẽ cung cấp cho Ukraine.