Ấn Độ tính tăng gấp đôi nhập khẩu than cốc từ Nga
Ấn Độ cho biết sẽ đẩy mạnh nhập khẩu than cốc của Nga, trong bối cảnh phương Tây đang từ bỏ nguồn cung từ Nga do xung đột ở Ukraine.
"Chúng tôi đang nghiêng về hướng nhập khẩu than cốc từ Nga", Bộ trưởng ngành thép Ấn Độ Ramchandra Prasad Singh cho biết tại hội nghị ở New Delhi hôm 27/3.
Theo Bộ trưởng Singh, Ấn Độ lên kế hoạch tăng gấp đôi lượng than cốc (loại nhiên liệu xám, cứng và xốp có hàm lượng carbon cao và ít tạp chất, được sử dụng để sản xuất thép) nhập khẩu từ Nga. Ông cho biết thêm Ấn Độ đã nhập khẩu 4,5 triệu tấn than cốc từ Nga, nhưng không nêu thời gian cụ thể.
Dữ liệu từ công ty tư vấn Kpler cho thấy các tàu chở ít nhất 1,06 triệu tấn than cốc và than nhiệt (để sản xuất điện) dự kiến cập cảng Ấn Độ trong tháng này. Đây là lượng than lớn nhất được ghi nhận kể từ tháng 1/2020.
Giới chức Ấn Độ cũng cho biết hoạt động thương mại với Nga có thể được thúc đẩy với một thỏa thuận giao dịch bằng đồng ruble và rupee.
Nga là nhà cung cấp than cốc và than nhiệt lớn thứ sáu của Ấn Độ. Các doanh nghiệp nhận định Nga có thể đưa ra mức giá cạnh tranh hơn cho các khách hàng Trung Quốc và Ấn Độ trong bối cảnh châu Âu và các nước khác từ chối nguồn cung từ Nga do các lệnh trừng phạt.
Ngày 18/3, giới chức Ấn Độ xác nhận Tập đoàn Dầu khí quốc gia nước này đã nhập ba triệu thùng dầu thô từ Nga để đảm bảo nhu cầu năng lượng bất chấp áp lực từ phương Tây, đồng thời khẳng định New Delhi không áp đặt các biện pháp trừng phạt lên các hoạt động giao dịch dầu giữa hai nước.
Ấn Độ, khách hàng lớn của Nga về hàng hóa và vũ khí, đã bỏ phiếu trắng trong một số cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc về nghị quyết lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Mỹ và các đồng minh đã áp đặt các vòng trừng phạt với Nga, như loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, bỏ quy chế tối huệ quốc với nước này.
Mỹ cũng công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu và các loại năng lượng khác từ Nga, trong khi Anh và EU lên kế hoạch giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng này. Mỹ - EU đã ký thỏa thuận cung cấp thêm khí đốt của Washington cho châu Âu, khi khu vực này tìm cách hạn chế phụ thuộc vào năng lượng Nga.
Nga đáp trả bằng cách cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng trong lĩnh vực viễn thông, y tế, ôtô, nông nghiệp, kỹ thuật điện và công nghệ đến hết năm 2022.
Đức Trung (Theo Reuters )