Ấn Độ thúc đẩy năng lượng tái tạo

Chia sẻ Facebook
05/11/2022 09:24:01

Một ngôi làng ở Ấn Độ đã trở thành ngôi làng đầu tiên tại quốc gia này sử dụng điện mặt trời suốt ngày đêm. Dự án bước đầu đã đem lại lợi ích cả về kinh tế và môi trường.


Ông Prajapati nặn những sản phẩm gốm từ đất sét trên chiếc bàn xoay bằng điện. Chỉ vài tháng trước, ông vẫn còn phải dùng bàn xoay bằng tay để tránh phải trả những hóa đơn tiền điện hàng tháng lên tới 1.500 Rupee (khoảng 450.000 đồng).


Hiện ông đã yên tâm sử dụng điện được chính quyền cung cấp khi làng của ông trở thành ngôi làng đầu tiên ở Ấn Độ hoạt động suốt ngày đêm bằng năng lượng mặt trời.

"Chúng tôi sản xuất được nhiều hơn với ít thời gian hơn. Trước làm bằng bàn xoay tay rất vất vả. Nhưng khi có điện mặt trời, chúng tôi tiết kiệm được thời gian và tăng được năng suất", ông Kesa Bhai Prajapati, thợ làm gốm, chia sẻ.

Dự án được triển khai tại làng Modhera do chính quyền tỉnh và bang Gujarat đầu tư với tổng số vốn gần 10 triệu USD. 1.300 tấm pin mặt trời được lắp trên các mái nhà và nóc tòa nhà.

Ấn Độ đặt mục tiêu vào năm 2030 sẽ đáp ứng 50% nhu cầu năng lượng từ các nguồn tái tạo. (Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters)

Nếu mỗi hộ không sử dụng hết lượng điện dư thừa, chính quyền sẽ mua lại với giá 2,25 Rupee một số điện. Tiền thu được từ việc bán năng lượng giúp người dân trong làng có thể chuyển đổi sử dụng thiết bị đun nấu từ bếp củi sang bếp điện, ít gây ô nhiễm môi trường.

"Cảm giác thực sự tuyệt vời sau khi chúng tôi có năng lượng mặt trời. Tôi có thể bật quạt và ngủ trong nhà. Chúng tôi luôn phải lo lắng về các khoản chi phí và hóa đơn tiền điện, nhưng giờ gánh nặng đã giảm bớt rất nhiều", bà Manjula Ben, Người dân làng Modhera, Ấn Độ, bày tỏ.


Ấn Độ đặt mục tiêu vào năm 2030 sẽ đáp ứng 50% nhu cầu năng lượng từ các nguồn tái tạo, chẳng hạn như năng lượng mặt trời và gió. Trên thực tế, FDI vào lĩnh vực năng lượng tái tạo của Ấn Độ đã tăng gấp đôi lên 1,6 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2022 thông qua kênh trái phiếu xanh.

Thủ tướng Narendra Modi nhấn mạnh nhu cầu tăng cường tài trợ từ nước ngoài tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu tới 100% bất kỳ dự án năng lượng tái tạo nào và được khai thác mua bán điện trong 25 năm.

Đầu tư cho năng lượng tái tạo tăng mạnh Giá dầu và giá khí đốt tăng cao đã và đang thúc đẩy sự đầu tư mạnh mẽ vào các nguồn năng lượng tái tạo.

Chia sẻ Facebook