Ấn Độ sẽ duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo đến năm 2024: Giá gạo toàn cầu lại biến động?

Chia sẻ Facebook
21/11/2023 04:20:12

Mặc dù là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, tuy nhiên Ấn Độ dự kiến sẽ duy trì hạn chế xuất khẩu gạo trong năm 2024.


Theo báo Thanh Niên , Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, dự kiến sẽ duy trì hạn chế xuất khẩu gạo sang năm tới. Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo để kiểm soát đà tăng giá trong nước và bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu lệnh cấm kéo dài, giá gạo thế giới sẽ tiếp tục ở mức cao nhất kể từ năm 2008.

Thời gian qua, nhờ giá thấp và lượng hàng dự trữ dồi dào, Ấn Độ trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên toàn cầu trong thập kỷ qua, chiếm gần 40% tổng lượng hàng trên thị trường. Các quốc gia châu Phi như Benin và Senegal nằm trong số những nước mua nhiều gạo Ấn Độ nhất. Nhưng, Thủ tướng Narendra Modi, người sẽ tái tranh cử vào năm tới, đã nhiều lần thắt chặt các hạn chế đối với việc xuất khẩu gạo, nhằm hạn chế tăng giá trong nước và bảo vệ người tiêu dùng Ấn Độ.

Hãng tin Bloomberg dẫn lời bà Sonal Varma, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Ấn Độ và châu Á của Nomura Holdings nhận định rằng chừng nào giá gạo trong nước còn phải đối mặt với áp lực gia tăng thì các hạn chế có thể sẽ tiếp tục được duy trì.

Sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu, giá gạo đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 15 năm, tính tới tháng 8 vừa qua. Theo Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, vào tháng 10, giá gạo vẫn cao hơn 24% so với một năm trước.

Ngoài ra, sự xuất hiện của El Nino có thể gây căng thẳng hơn nữa thị trường gạo toàn cầu. Thái Lan, nước xuất khẩu gạo thứ hai thế giới cho biết, sản lượng gạo của họ có thể giảm 6% trong năm 2023-2024 do thời tiết khô hạn.

Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo để kiểm soát đà tăng giá trong nước. Ảnh: REUTERS.


Theo TTXVN, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực Ấn Độ và châu Á, không bao gồm Nhật Bản, tại Nomura Holdings Inc., ông Sonal Varma, cho biết chừng nào giá gạo trong nước còn phải đối mặt với sức ép tăng cao, thì những hạn chế xuất khẩu gạo có thể sẽ tiếp tục được duy trì. Thậm chí, ngay cả sau cuộc bầu cử, nếu giá gạo trong nước không ổn định, các biện pháp đó có thể được gia hạn.

Ấn Độ đã áp đặt thuế xuất khẩu và mức giá tối thiểu, đồng thời cấm xuất khẩu các loại gạo trắng không thuộc loại basmati. Giá gạo đã tăng lên mức cao nhất trong 15 năm trong tháng 8/2023. Các khách mua từ một số quốc gia nhập khẩu dễ bị tổn thương nhất đã hạn chế mua hàng, còn một số nước tìm kiếm thỏa thuận miễn trừ. Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), giá gạo trong tháng 10/2023 vẫn cao hơn 24% so với một năm trước.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo, ông B.V. Krishna Rao, cho biết chính quyền Thủ tướng Modi muốn đảm bảo có đủ nguồn cung trong nước và giảm bớt tình trạng tăng giá. Theo ông, chính phủ có thể sẽ giữ nguyên các hạn chế xuất khẩu cho đến cuộc bỏ phiếu vào năm 2024.

Đáng chú ý, việc đảm bảo nguồn cung có sẵn để hỗ trợ chương trình thực phẩm miễn phí của đất nước, mang lại lợi ích cho trên 800 triệu người dân, là ưu tiên hàng đầu của chính phủ. Ông Modi cho biết, chương trình này sẽ được kéo dài thêm 5 năm.

Thông báo trên được đưa ra chỉ vài ngày trước chuỗi 5 cuộc bầu cử cấp bang và được xem là thông báo quan trọng trong bối cảnh chi phí thực phẩm tiếp tục tăng. Giá gạo bán lẻ tại New Delhi tăng 18% so với một năm trước đó, trong khi giá lúa mỳ cao hơn 11%.

Người phát ngôn của Bộ Lương thực và thương mại cho biết, chính phủ đang liên tục theo dõi giá lương thực và đưa ra quyết định phù hợp về xuất khẩu vào đúng thời điểm, cũng như lưu ý đến lợi ích của người tiêu dùng và của người nông dân.

Tác động từ việc Ấn Độ và một số nước cấm xuất khẩu gạo

Việc Ấn Độ tuyên bố cấm xuất khẩu gạo hôm 20/7 được coi là cú sốc mới với thị trường lương thực toàn cầu. Lệnh cấm của Ấn Độ cũng được đưa ra vào thời điểm nhạy cảm. Giá gạo toàn cầu đã nhích dần từ đầu năm 2022. Tính từ tháng 6/2022, giá đã tăng 14%. Trong khi đó, nguồn cung lại đang căng thẳng, khi 3 tháng nữa mới tới vụ thu hoạch mới tại các thị trường. Thời tiết khắc nghiệt tại Nam Á với lượng mưa trái quy luật ở Ấn Độ và mưa lũ ở Pakistan đã ảnh hưởng đến mùa màng. Chi phí trồng lúa cũng tăng do giá phân bón lên cao. Việc các loại tiền tệ mất giá so với USD khiến chi phí nhập khẩu với nhiều nước tăng vọt. Lạm phát cũng làm tăng chi phí đi vay với hoạt động ngoại thương. Đây chính là vấn đề với các nước nhập khẩu gạo.

Lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường của Ấn Độ đã gây tâm lý lo lắng đối với những người tiêu dùng vốn đã quen sử dụng mặt hàng này trong chế độ ăn uống hằng ngày. Nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận tình trạng các cửa hàng buộc phải điều chỉnh giá sản phẩm và giới hạn lượng gạo cung cấp, trong bối cảnh người dân - chủ yếu là cộng đồng gốc Nam Á - đổ xô đi mua gạo để tích trữ.


Trúc Chi (t/h)

Chia sẻ Facebook