Ấn Độ phóng thành công tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân
Ấn Độ tuyên bố phóng thử thành công tên lửa Agni-III, nền tảng quan trọng trong việc hình thành "xương sống" hệ thống vũ khí hạt nhân của New Delhi.
Ấn Độ đã thực hiện thành công vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung Agni-III từ đảo APJ Abdul Kalam, ngoài khơi bờ biển Odisha ở Balasore, Ấn Độ hôm 23/11, theo The Indian Express.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ (MoD) cho biết cuộc thử nghiệm đánh giá các thông số hoạt động, cũng như độ tin cậy của hệ thống tên lửa Agni-III.
Agni là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Ấn Độ do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng phát triển. Agni-III là phiên bản mới nhất của dòng tên lửa đạn đạo Agni, được đưa vào trang bị cho quân đội Ấn Độ từ năm 2011.
Tên lửa có đường kính 2 m; chiều dài 16 m; nặng hơn 48 tấn có khả năng mang đầu đạn hơn 1,5 tấn; tầm bắn 3.000 km - 5.000 km và đạt độ cao tối đa 500 km. Sai số có thể xảy ra của Agni-III nằm trong phạm vi 40 mét.
Tên lửa nhiên liệu rắn hai tầng, đủ nhỏ gọn để dễ dàng di chuyển và triển khai linh hoạt. Động cơ tầng một của Agni-III sử dụng vỏ động cơ bằng thép cứng và chứa 30 tấn nhiên liệu đẩy. Tầng thứ hai của tên lửa sử dụng vỏ động cơ bằng sợi carbon và chứa 12 tấn thuốc phóng. Cả hai giai đoạn đều sử dụng vòi phun với hệ thống vectơ lực đẩy flexseal để điều khiển.
Tên lửa này chủ yếu được sử dụng với đầu đạn hạt nhân có năng suất ước tính 200 – 300 kT. Nó cũng có thể được trang bị các đầu đạn thông thường và đầu đạn con.
Agni-III được trang bị hệ thống định vị quán tính INS/GPS để điều khiển và điều hướng chuyến bay cùng hệ thống máy tính tiên tiến. Các hệ thống điện tử được thiết kế để chịu được độ rung, nhiệt và tiếng ồn lớn.