Ấn Độ nỗ lực trở thành trung tâm bán dẫn mới của thế giới

Chia sẻ Facebook
12/02/2023 15:50:19

Nền kinh tế lớn thứ năm thế giới đang tìm cách thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn trong bối cảnh Mỹ thắt chặt các biện pháp hạn chế đối với Trung Quốc.


Các đại gia sản xuất chip toàn cầu đang đặt cược lớn vào Ấn Độ . Tháng 9/2022, công ty Foxconn (Đài Loan, Trung Quốc) và công ty Vedanta (Ấn Độ) đã hợp tác thành lập một nhà máy chế tạo chất bán dẫn ở Dholera, Gujarat. Với số vốn đầu tư 19,5 tỷ USD, dự án này dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2024.


Trong khi đó, một số gã khổng lồ sản xuất chip khác từ khắp nơi trên thế giới , cũng đang có kế hoạch thành lập cửa hàng ở sân sau của Ấn Độ, góp phần đưa sáng kiến Make in India lên quy mô toàn cầu theo cách chưa từng có.

Các công ty bán dẫn như TSMC và Powerchip (Đài Loan), IGSS Ventures và ISMC (Singapore), Renesas Electronics (Nhật Bản) đều được cho là có kế hoạch xây nhà máy ở Ấn Độ.

Ngoài ra, các công ty Mỹ như AMD và Intel cũng đang tìm cách thành lập các nhà máy của họ ở nước này thông qua các đối tác của họ. Micron Technology, nhà sản xuất thiết bị bán dẫn Mỹ cũng đang có kế hoạch đầu tư hơn 41 triệu USD để xây dựng một nhà máy sản xuất mới ở Hyderabad, Telangana.

Theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội Điện tử & Chất bán dẫn Ấn Độ (IESA) và Counterpoint Research, hoạt động kinh doanh linh kiện bán dẫn của quốc gia này sẽ đạt tổng doanh thu 300 tỷ USD vào năm 2026.

Năm 2014, chính quyền Thủ tướng Narendra Modi công bố chiến lược Make in India nhằm khuyến khích các công ty nước ngoài sản xuất sản phẩm của họ ở Ấn Độ. Ảnh: NDTV


Nắm bắt thời cơ

Chính quyền Thủ tướng Narendra Modi đang cố gắng quảng bá Ấn Độ như một địa điểm thuận lợi cho các công ty sản xuất chip vào thời điểm mà các hạn chế của Mỹ đang cản trở tham vọng bán dẫn của Trung Quốc.

Theo các nhà phân tích ngành, các lệnh trừng phạt và hạn chế thương mại do Mỹ áp đặt đang làm chậm bước nhảy khổng lồ của Trung Quốc để trở thành siêu cường bán dẫn, mang đến cho Ấn Độ thời cơ thích hợp để hiện thực hóa tham vọng trở thành trung tâm sản xuất chip thay thế.

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng, chính phủ Ấn Độ đã cố gắng quảng bá quốc gia này như một nơi mà các công ty bán dẫn có thể đầu tư vào để tránh vướng vào bất kỳ vấn đề chính trị nào có thể gây hại cho họ.

Một quan chức chính phủ giấu tên cho biết, chính phủ Ấn Độ không chỉ tìm cách thu hút các nhà sản xuất chip lớn từ Trung Quốc mà còn đang cố gắng khuyến khích các ngành công nghiệp phụ trợ thiết lập hoạt động tại đây.

“Foxconn đang giảm công suất tại Trung Quốc từ 95% xuống 75%. Khoản chênh lệch 20% đó có thể chảy vào Ấn Độ và đó là một số tiền đáng kể”, vị quan chức này cho biết.

Bộ công nghệ thông tin Ấn Độ cũng đang thảo luận với các nhà sản xuất chất bán dẫn để đầu tư vào Ấn Độ khi các doanh nghiệp chế tạo chip ngày càng chuyển hướng sang quốc gia Nam Á này.


Với mục tiêu biến Ấn Độ thành một trung tâm sản xuất, năm 2021, chính phủ nước này đã công bố khoản đầu tư trị giá khoảng 10 tỷ USD để phát triển các lĩnh vực như hệ sinh thái sản xuất chất bán dẫn trong nước.

Chính phủ cũng có kế hoạch hiện đại hóa phòng thí nghiệm bán dẫn ở Punjab, nơi chưa thể phát huy hết tiềm năng sau trận hỏa hoạn làm tê liệt vào năm 1989.


Triển vọng thị trường

Không chỉ chính phủ Ấn Độ mà các công ty tư nhân từ nước ngoài cũng rất lạc quan về tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất chip của Ấn Độ.

“Ấn Độ có tiềm năng to lớn và chúng tôi có cơ hội rất tốt để phát triển ngành công nghiệp chế tạo ở quốc gia này. Ấn Độ có vị trí địa lý rất quan trọng theo quan điểm tiếp cận thị trường vì đây là một nền kinh tế đầy triển vọng với nhiều nhân sự lành nghề”, ông Anku Jain, Giám đốc điều hành chi nhánh Ấn Độ của MediaTek, công ty bán dẫn không dây lớn thứ tư thế giới có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc) cho biết.

Foxconn và Vedanta đã hợp tác thành lập một nhà máy chế tạo chất bán dẫn ở Ấn Độ với số vốn đầu tư 19,5 tỷ USD. Ảnh: Bloomberg

Theo ông Jain, Ấn Độ là một trung tâm tài năng quan trọng, và một số báo cáo còn cho thấy, 20-25% các kỹ năng thiết kế không tưởng trên toàn cầu xuất phát từ quốc gia này. “Đây là thời điểm thích hợp để Ấn Độ tăng tốc thiết lập các cơ sở sản xuất hoặc nhà máy sản xuất chip trong nước”, ông Jain nhận định.

Tuy nhiên, những người chơi trong khu vực tư nhân có phần thực tế hơn về những thách thức tồn tại trong việc đưa Ấn Độ trở thành trung tâm sản xuất chip toàn cầu.

Chủ tịch Hiệp hội Điện tử & Chất bán dẫn Ấn Độ K Krishna Moorthy cho biết: “Các hạn chế thương mại mà Mỹ áp đặt đối với các công ty bán dẫn Trung Quốc có thể chưa trực tiếp mang lại lợi ích cho Ấn Độ ngay lập tức, nhưng quan trọng hơn là các làn sóng địa chính trị hiện đang có lợi cho chúng tôi. Chúng tôi đã thấy các nhà sản xuất điện tử chuyển một số cơ sở sang Ấn Độ”.

Mặc dù lạc quan về triển vọng sản xuất chất bán dẫn của Ấn Độ trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, các công ty cũng chỉ ra rằng có rất nhiều thách thức cần vượt qua.

“Cơ sở hạ tầng yếu kém, khoảng cách về kỹ năng trong sản xuất cấp cao, chính sách và việc xin giấy phép từ các cơ quan hữu quan”, vẫn sẽ là những thách thức đối với Ấn Độ trong ngắn hạn, theo ông Parv Sharma, nhà phân tích cấp cao của công ty nghiên cứu thị trường công nghệ Counterpoint Research.


Tuy nhiên, ông Sharma tin rằng lao động giá rẻ, dân số trẻ, thị trường lớn cho tiêu dùng địa phương và các mối quan hệ địa chính trị sẽ là những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng sản xuất của Ấn Độ .


Nguyễn Tuyết (Theo The Print, Analaytics India, First Post)

Chia sẻ Facebook