Ấn Độ là nước sở hữu cây cầu đường sắt cao nhất thế giới
Cầu Chenab của Ấn Độ có chiều dài hơn 1,3km, được xây dựng ở độ cao lên tới 359m, cao hơn 29m so với tháp Eiffel của Pháp.
Theo Vietnam+ , Ấn Độ hiện là quốc gia sở hữu cây cầu đường sắt cao nhất thế giới. Cây cầu có tên Chenab bắc qua sông Chenab ở vùng Jammu và Kashmir, thuộc miền Bắc Ấn Độ. Cầu Chenab nằm ở độ cao 359m, cao hơn tháp Eiffel khoảng 29m.
Trong thông cáo báo chí hồi tháng 3, Bộ Đường sắt Ấn Độ cho biết, sau nhiều thập kỷ xây dựng, cầu Chenab sẽ mở cửa đón du khách vào cuối tháng 12/2023 hoặc tháng 1/2024.
Cây cầu dài 1.315 m này là một phần của dự án lớn hơn nhằm giúp cho mạng lưới đường sắt Ấn Độ có thể tiếp cận Thung lũng Kashmir. Ngoài cầu Chenab, dự án Liên kết Đường sắt Udhampur-Srinagar-Baramulla (USBRL) còn liên quan đến 2 công trình sẽ là những kỷ lục của Ấn Độ, đó là đường hầm vận chuyển dài nhất và cây cầu cáp đầu tiên của đường sắt Ấn Độ.
Với Thủ tướng Narendra Modi, đầu tư vào cơ sở hạ tầng như cầu Chenab và mạng lưới đường sắt nói chung có thể coi là công cụ hữu hiệu cho hòa nhập xã hội, mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị, kết nối các vùng sâu, vùng xa với thành phố lớn.
"Cầu Chenab và sự kết nối mà công trình này đại diện sẽ được Ấn Độ quảng bá như một bước phát triển mới của khu vực", Michael Kugelman, Giám đốc Viện nghiên cứu Nam Á tại Trung tâm Wilson, nhận định.
Các chuyên gia cho biết, việc liên kết Kashmir với phần còn lại của Ấn Độ bằng tàu hỏa sẽ đặc biệt thúc đẩy các ngành công nghiệp và nông nghiệp của khu vực bằng cách cho phép kết nối đường sắt trong mọi điều kiện thời tiết giữa thung lũng và phần còn lại của Ấn Độ.
Trước đây, tuyến đường bộ duy nhất nối các khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát với phần còn lại của đất nước là đường cao tốc quốc gia Srinagar-Jammu dài 300 km. Tuy nhiên, tuyến đường này thường phải đóng cửa vào những khoảng thời gian khắc nghiệt nhất của mùa Đông và cũng thường là điểm đen của tai nạn giao thông.
Minh Hoa (t/h theo Dân Trí, Vietnam+)