Ấn Độ hướng tới trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 toàn cầu

Chia sẻ Facebook
05/12/2022 07:56:03

Ấn Độ được dự đoán sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào cuối thập kỷ này sau Mỹ và Trung Quốc, CNBC đưa tin trong tuần qua trích dẫn dự báo của hai tổ chức lớn.


Theo đó, công ty dịch vụ tài chính S&P Global đã nâng triển vọng kinh tế Ấn Độ dựa trên dự báo rằng tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội danh nghĩa của nước này sẽ đạt mức trung bình 6,3% cho đến năm 2030. Trong khi đó, Morgan Stanley dự đoán, GDP của Ấn Độ sẽ tăng gấp hơn 2 lần so với mức hiện tại vào năm 2031.

Các nhà phân tích của Morgan Stanley viết trong báo cáo: "Ấn Độ có các điều kiện sẵn sàng cho sự bùng nổ kinh tế, được thúc đẩy bởi hoạt động thuê ngoài, đầu tư vào sản xuất, quá trình chuyển đổi năng lượng và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tiên tiến của đất nước. Những động lực này sẽ đưa (Ấn Độ) trở thành nền kinh tế và thị trường chứng khoán lớn thứ ba thế giới trước cuối thập kỷ này".

Quốc gia Nam Á này ghi nhận mức tăng trưởng hàng năm là 6,3% trong quý từ tháng 7 đến tháng 9, trong khi quý từ tháng 4 đến tháng 6 được đánh dấu bằng mức tăng trưởng mạnh 13,5% so với một năm trước. Tỷ lệ tăng trưởng nói trên được hỗ trợ bởi nhu cầu nội địa mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ. Mức tăng trưởng hàng năm được báo cáo trong ba tháng tính đến tháng 6 năm 2021 lên tới mức kỷ lục 20,1%.

Các nhà phân tích cho biết, kinh tế Ấn Độ dự kiến ​​sẽ vượt trội so với Nhật Bản và Đức vào năm 2030. (Ảnh: Outlook India)

Theo các nhà phân tích của S&P Global, nền kinh tế Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ chính sách tự do hóa thương mại và tài chính, cải cách thị trường lao động, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.

Các chuyên gia nhấn mạnh nỗ lực của Chính phủ Ấn Đổ nhằm đưa đất nước trở thành trung tâm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, một cường quốc sản xuất. Một trong những công cụ chính để đạt được mục tiêu đó là Chương trình khuyến khích liên kết sản xuất (PLIS), qua đó thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu. Chương trình được giới thiệu vào năm 2020 và cung cấp nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước dưới hình thức giảm thuế và cấp giấy phép, cùng những biện pháp khuyến khích khác.

Báo cáo của S&P Global cho biết: "Rất có thể Chính phủ Ấn Độ đang tin tưởng vào PLIS như một công cụ giúp nền kinh tế nước này định hướng xuất khẩu nhiều hơn và liên kết với nhau nhiều hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu".

Đại dịch COVID-19 với những lệnh phong tỏa, giãn cách đã tác động nặng nề các đô thị, hiện khu vực nông thôn là trụ đỡ cho sản xuất lẫn tiêu dùng tại Ấn Độ.

Chia sẻ Facebook