Ấn Độ: Hệ thống giáo dục yếu kém, kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế
Ấn Độ: Hệ thống giáo dục yếu kém, kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế
Khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến thăm Nhà Trắng cách đây hơn một tuần, ông xuất hiện với tư cách nhà lãnh đạo của một trong số những nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới.
Ấn Độ hiện đang duy trì mức tăng trưởng hàng năm ở mức 6% và GDP của nước này hiện đang đứng thứ 5 trên bảng xếp hạng toàn cầu.
Ngành công nghệ của họ đang phát triển nhanh chóng và các công ty thân thiện với môi trường ngày càng sử dụng nhiều hơn các tấm pin năng lượng mặt trời. Nhiều tập đoàn đa quốc gia đã chọn Ấn Độ làm đích đến của mình. Trong tuần trước, Goldman Sachs đã tổ chức một cuộc hội thảo tại nước này.
Trong bối cảnh các nước giàu và Trung Quốc ngày càng có xu hướng già hóa, thì lực lượng người trẻ tuổi của Ấn Độ - quốc gia có khoảng 500 triệu người ở độ tuổi dưới 20 – nên được xem là một nguồn động lực bổ sung. Tuy nhiên, trong khi giới tinh hoa ở Ấn Độ ngày càng hùng mạnh với tầm ảnh hưởng rộng khắp thì phần lớn người dân nước này vẫn chưa được hưởng nền giáo dục phát triển.
Tình trạng thất nghiệp và thiếu kỹ năng trong thanh niên có thể làm đình trệ sự phát triển kinh tế của Ấn Độ. Tuy vậy, đã có những tiến bộ đáng kể trong việc cung cấp dịch vụ cho người nghèo tại đất nước này. Chính phủ đã triển khai các chương trình chuyển đổi số để đơn giản hóa quy trình truy cập ngân hàng và việc nhận tiền trợ cấp xã hội cho người dân.
Về giáo dục, chính phủ cũng đầu tư mạnh tay cho cơ sở hạ tầng. Cách đây một thập kỷ, chỉ có khoảng 1/3 trường công lập ở Ấn Độ có thiết bị rửa tay, trong khi chỉ một nửa là có điện. Hiện tại, khoảng 90% trường công được trang bị cả hai. Kể từ năm 2014, Ấn Độ đã mở cửa gần 400 trường đại học. Tỷ lệ nhập học ở các cấp học cao hơn đã tăng khoảng 20%.
Tuy nhiên, mặc dù đã có những cải thiện về cơ sở hạ tầng, nhưng Ấn Độ vẫn chưa thể đảm bảo rằng nhóm người trẻ sẽ có đủ kỹ năng cần thiết. Trước đại dịch COVID-19, chỉ có chưa đầy một nửa số trẻ em 10 tuổi ở Ấn Độ có khả năng đọc hiểu một câu chuyện đơn giản, mặc dù hầu hết đã dành nhiều năm ngồi trên ghế nhà trường. Việc đóng cửa trường học do đại dịch đã khiến tình hình này trở nên tồi tệ hơn.
Tình trạng này có nhiều nguyên nhân. Chương trình giảng dạy dành quá ít thời gian cho những bài học cơ bản trong toán học và văn học. Điều này dẫn đến những đứa trẻ không có cơ hội học những kiến thức cơ bản tại trường và khó có thể tiếp thu nhiều kiến thức khác. Các giáo viên được đào tạo kém bài bản và quản lý yếu kém. Các quan chức đôi lúc giao cho các giáo viên những trách nhiệm không liên quan, như giám sát các cuộc bầu cử hay việc tuân thủ các quy định giãn cách trong giai đoạn đại dịch.
Những vấn đề như vậy đã khiến nhiều gia đình phải gửi con cái tới trường tư. Khoảng 50% trẻ em ở Ấn Độ nhập học vào các trường tư nhân. Tuy các trường này có chi phí thấp, nhưng thường không đem lại kết quả tốt. Gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng ngành công nghệ của Ấn Độ có thể giúp cách mạng hóa ngành giáo dục. Nhưng chỉ dựa vào công nghệ là điều rủi ro. Trong những tuần gần đây, công ty công nghệ lớn nhất Ấn Độ, Byju’s – từng tuyên bố đã đào tạo 150 triệu người trên toàn thế giới và từng được định giá 22 tỉ USD – đã bị giảm giá trị do các vấn đề tài chính.
Những vấn đề trên đẩy mạnh yêu cầu sửa đổi hệ thống giáo dục công ở Ấn Độ. Quốc gia này cần tăng ngân sách đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Trong năm ngoái, tỷ lệ ngân sách dành cho giáo dục chỉ chiếm 2,9% của GDP, mức này thấp hơn so với tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, Ấn Độ cần cải cách hệ thống giáo dục bằng việc học hỏi từ mô hình giáo dục của các nước phát triển khác trong khu vực châu Á.
Ấn Độ đang dồn toàn lực vào xây dựng đường giao thông, trung tâm công nghệ, sân bay và nhà máy. Tuy nhiên, họ cũng cần tạo dựng nguồn lực nhân tài để đáp ứng nhu cầu phát triển./.
Theo The Economist