Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo, nguy cơ làm gia tăng khủng hoảng lương thực thế giới

Chia sẻ Facebook
12/09/2022 01:40:03

Chính phủ Ấn Độ hôm thứ Năm (ngày 8/9) thông báo sẽ cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với một số loại gạo xuất khẩu, một động thái sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát toàn cầu, đẩy giá gạo lên cao và làm trầm trọng thêm khủng hoảng nguồn cung lương thực.

Hình ảnh một người nông dân đang làm việc trên cánh đồng ở Ấn Độ. (Nguồn: SAM THOMAS A/ Shutterstock)


Lệnh hạn chế do Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ (Directorate of Foreign Trade) ban hành hôm thứ Năm, sẽ có hiệu lực từ thứ Sáu (ngày 9/9).


Theo lệnh hạn chế, Ấn Độ áp đặt mức thuế 20% đối với xuất khẩu gạo trắng và gạo lứt. Số gạo bị ảnh hưởng chiếm khoảng 60% tổng lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ. Ấn Độ cũng cấm xuất khẩu gạo tấm, nhưng gạo đồ và gạo Basmati không nằm trong lệnh hạn chế.


Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm 40% lượng gạo thương mại toàn cầu. Hiện tại, nhiều quốc gia trên thế giới đang phải hứng chịu cuộc khủng hoảng lương thực và lạm phát ngày càng trầm trọng, và động thái này của Ấn Độ sẽ gây thêm áp lực cho các quốc gia này.


Gạo là lương thực chính của khoảng một nửa dân số thế giới, châu Á sản xuất và tiêu thụ khoảng 90% nguồn cung toàn cầu. Ấn Độ là nhà cung cấp gạo tấm quan trọng cho một số nước châu Phi. Gạo tấm có giá thành tương đối rẻ so với các loại gạo khác.


Theo một bài báo được đăng tải bởi trang mạng Thông tin Nông nghiệp Trung Quốc, Trung Quốc là khách hàng mua gạo tấm lớn nhất của Ấn Độ. Trung Quốc nhập khẩu 1,1 triệu tấn gạo tấm từ Ấn Độ vào năm 2021. Tổng lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ năm 2021 đạt kỷ lục 21,5 triệu tấn, nhiều hơn lượng gạo xuất khẩu của 4 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới (Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ) cộng lại.


Trung Quốc chủ yếu sử dụng gạo tấm để làm thức ăn gia súc và sản xuất mì gạo và rượu.


Việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo cũng có khả năng làm tăng giá gạo toàn cầu, dẫn đến lạm phát lương thực nghiêm trọng hơn, đồng thời làm trầm trọng thêm tình trạng hỗn loạn trên thị trường lương thực toàn cầu do chiến tranh Nga – Ukraine gây ra.


Gạo là mặt hàng nông sản chính thứ ba mà Chính phủ Ấn Độ áp dụng các hạn chế xuất khẩu trong năm nay. Sau khi Ấn Độ trải qua những tháng nóng nhất trong hơn một thế kỷ vào tháng Ba và tháng Tư, chính phủ đã hạn chế xuất khẩu lúa mì và đường vào tháng Năm.


Trái ngược hoàn toàn với giá lúa mì và ngô tăng vọt sau khi Nga xâm lược Ukraine, gạo là mặt hàng lương thực giúp vượt qua cuộc khủng hoảng lương thực lớn hơn nhờ lượng dự trữ dồi dào. Nhưng với động thái mới nhất của Ấn Độ, điều này có thể sắp thay đổi.


Bloomberg đưa tin, ông B.V. Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo của Ấn Độ, cho biết các hạn chế sẽ có lợi cho các đối thủ Thái Lan và Việt Nam, hai nước này đang làm việc cùng nhau để nâng giá gạo.


Ông B.V. Krishna Rao nói, “Động thái này của Chính phủ (Ấn Độ) sẽ thúc đẩy giá gạo toàn cầu.” Ông ước tính giá gạo trắng xuất khẩu có thể tăng lên hơn 400 USD/ tấn (FOB) từ mức 350 USD/ tấn hiện nay.


Ông nói thêm rằng để đáp lại lệnh hạn chế mới nhất của Chính phủ (Ấn Độ), các nhà xuất khẩu sẽ yêu cầu Chính phủ miễn thuế cho khoảng 2 triệu tấn gạo đã được ký hợp đồng nhưng chưa được vận chuyển.


Bộ Nông nghiệp Ấn Độ cho biết, vào tháng Sáu, các bang trồng trọt lớn như Uttar Pradesh, Tây Bengal và Bihar có lượng mưa không đủ, và bị ảnh hưởng bởi lượng mưa thất thường trong tháng Bảy và tháng Tám, dẫn đến diện tích trồng lúa xuống còn hơn 23,1 triệu ha so sới 26,7 triệu ha của một năm nước, mức giảm 13%.


Trong một báo cáo vào tháng trước, công ty Nomura cho biết, động thái cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể tác động lớn đến người tiêu dùng châu Á, bởi vì dữ liệu trồng trọt làm dấy lên lo ngại rằng Chính phủ có thể áp đặt lệnh cấm xuất khẩu.

Công ty Nomura nói thêm,

“Gạo là lương thực chính ở châu Á, vì vậy giá gạo tăng mạnh sẽ có tác động lớn hơn nhiều đến người tiêu dùng châu Á so với việc tăng giá lúa mì.”


Theo Wall Street Journal đưa tin, ông Vinod Kaul, giám đốc điều hành cấp cao của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo toàn Ấn Độ có trụ sở tại New Delhi, cho biết việc giảm diện tích trồng lúa ở Ấn Độ trong năm nay có thể dẫn đến sản lượng thấp hơn, nhưng điều này sẽ thể hiện rõ hơn khi vào vụ thu hoạch bắt đầu vào tháng Mười.

Ông nói:

“Đảm bảo nguồn cung (hạn chế xuất khẩu) chắc chắn là điều mà Chính phủ (Ấn Độ) cân nhắc.”


Ông Vinod Kaul cũng cho biết quyết định cấm xuất khẩu gạo tấm của Ấn Độ sẽ khiến thị phần của nước này giảm xuống, người mua có khả năng chuyển sang Việt Nam và Thái Lan, lần lượt là các nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba.


Trong năm tài chính vừa qua tính đến tháng Ba, Ấn Độ đã xuất khẩu khoảng 3,8 triệu tấn gạo tấm trên toàn cầu, chiếm khoảng 1/5 tổng xuất khẩu gạo không phải loại gạo Basmati của nước này. Từ tháng Tư đến tháng Sáu, xuất khẩu mặt hàng giá rẻ lên tới 1,4 triệu tấn, tương đương 1/3 xuất khẩu gạo không phải loại gạo Basmati.

Ông Vinod Kaul nói,

“An toàn thực phẩm có thể là mối quan tâm của Chính phủ trong năm tới.”


Theo Trương Đình, Epoch Times

Nghiên cứu: Chiến tranh hạt nhân mức nghiêm trọng có thể làm thiệt mạng 5 tỷ người

Theo một nghiên cứu của Mỹ, trong kỷ nguyên hiện đại này nếu nổ ra chiến tranh hạt nhân toàn diện thì có thể khiến 5 tỷ người thiệt mạng

Chia sẻ Facebook