Ấn Độ đột kích hàng chục văn phòng của hãng điện thoại Trung Quốc
Hãng điện thoại Vivo của Trung Quốc xác nhận "đang hợp tác" với nhà chức trách Ấn Độ sau khi có thông tin hàng chục văn phòng của công ty này đã bị lục soát vì nghi ngờ "rửa tiền".
Ngày 5-7, người phát ngôn của Vivo xác nhận cơ quan chống tội phạm tài chính của Ấn Độ đã đột kích nhiều địa điểm của Vivo ở Ấn Độ và thu giữ một số tài sản của công ty.
"Vivo đang hợp tác với các nhà chức trách để cung cấp cho họ tất cả thông tin được yêu cầu - vị này nói với Hãng thông tấn AFP - Chúng tôi cam kết luôn tuân thủ luật pháp sở tại".
Hiện Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Trung Quốc chưa lên tiếng về vụ việc. Phản ứng thường thấy của Trung Quốc là phản đối các hành động nhắm vào doanh nghiệp nước này, cáo buộc có động cơ chính trị và cảnh báo sẽ đáp trả một cách chung chung.
Quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang ở mức thấp kể từ khi xảy ra đụng độ giữa các binh sĩ hai bên ở khu vực biên giới chưa phân định hồi năm 2020.
Theo AFP, trước Vivo thì hai thương hiệu thiết bị di động thông minh khác là Xiaomi và Huawei cũng bị lục soát tương tự vào đầu năm nay.
Vivo chuyên về thiết bị cầm tay giá rẻ và chiếm 15% thị trường điện thoại thông minh vốn có tính cạnh tranh rất cao là Ấn Độ, theo dữ liệu về năm 2021 do công ty nghiên cứu công nghệ Counterpoint công bố cách đây không lâu.
Việc tài trợ liên tục cho các sự kiện thể thao lớn của đất nước đông dân số 2 thế giới đã giúp Vivo trở thành một cái tên quen thuộc kể từ khi ra mắt thị trường Ấn Độ vào năm 2012. Công ty mẹ của Vivo là BBK Electronics cũng sở hữu thương hiệu Oppo, một đối thủ của Vivo.
Theo AFP, các công ty công nghệ Trung Quốc đã bị Ấn Độ đưa vào tầm ngắm khi quan hệ hai bên trục trặc.
Hồi năm ngoái, lấy lý do đảm bảo an ninh quốc gia, Bộ Nội vụ Ấn Độ đã cấm hàng trăm ứng dụng di động có nguồn gốc từ Trung Quốc, bao gồm cả nền tảng truyền thông xã hội vô cùng phổ biến TikTok.
Bất chấp các căng thẳng chính trị, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại quan trọng của Ấn Độ, với kim ngạch song phương trị giá 125 tỉ USD trong năm 2021. Ấn Độ và Trung Quốc cũng là hai nước có số người dùng điện thoại thông minh nhiều nhất thế giới.
Điện thoại thông minh (smartphone) và các đồ gia dụng điện tử "Made in China" đang nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Nga sau khi các công ty phương Tây rời đi, để lại thị trường béo bở cho các doanh nghiệp Trung Quốc.