Ấn Độ có thể đổi tên nước sớm nhất trong tháng 9?
Một nhà lập pháp nổi tiếng đã nêu ý kiến rằng, tên nước "Ấn Độ" cho đến hiện tại là "sự lạm dụng quốc hiệu do người Anh đặt cho chúng tôi".
(Ảnh minh họa: Getty Images)
Thư mời tham gia bữa ăn tối chính thức tại G20 do Tổng thống Droupadi Murmu chủ trì đã đề cập đến bà là 'Tổng thống Bharat' chứ không phải là 'Tổng thống Ấn Độ', làm gia tăng suy đoán rằng quốc gia Nam Á này có thể bắt đầu quá trình đổi tên sớm nhất là trong tháng 9, truyền thông địa phương đưa tin.
Thư mời trên, đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội cùng với hashtag #PresidentOfBharat, đã được gửi tới nhiều nhà lãnh đạo thế giới để mời họ tham dự bữa tối vào ngày 9/9 tại trung tâm hội nghị Bharat Mandapam ở New Delhi, nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20 vào hai ngày 9/9 và 10/9.
Ông Harnath Singh Yadav, thành viên đảng Bharatiya Janata, nói với hãng tin ANI: 'Từ 'Ấn Độ' là do người Anh đặt, trong khi từ 'Bharat' là biểu tượng cho văn hóa của chúng tôi'.
Ảnh chụp màn hình thư mời ăn tối do Tổng thống Droupadi Murmu gửi tới các đại biểu G20. (Ảnh: X/@ShashiTharoor)
Suy đoán được đưa ra khi báo India Today đưa tin hôm 5/9 rằng, nghị quyết chính thức về việc đổi tên Ấn Độ thành Bharat có thể được chính phủ đệ trình tại một phiên họp quốc hội đặc biệt dự kiến diễn ra vào cuối tháng 9 này. Tuy nhiên, chương trình nghị sự của phiên họp sắp tới vẫn chưa được công bố, do đó vẫn chưa rõ liệu đề xuất này có được đưa ra chính thức hay không.
Một số chính trị gia đã tán thành việc đổi tên nước nói trên.
Tên Bharat có nguồn gốc từ Bharata, tên Ấn Độ trong một số ngôn ngữ của ở nước này và bản thân nó cũng bắt nguồn từ văn học Hindu. Ban đầu, Bharata chỉ đề cập đến khu vực phía Tây của thung lũng sông Hằng, trước khi nó được sử dụng rộng rãi hơn để mô tả tiểu lục địa Ấn Độ và khu vực Đại Ấn Độ. Thuật ngữ Bharata thường được sử dụng thay thế cho Ấn Độ.
Ấn Độ đôi khi còn được biết đến với cái tên thứ ba là Hindustan.
Những người ủng hộ việc đổi tên nước khác lập luận, thông tin về việc đổi quốc hiệu trong hiến pháp thành một tên bản địa duy nhất, được áp dụng rộng rãi cho quốc gia châu Á này sẽ tăng cường lòng tự hào dân tộc, củng cố di sản của quốc gia và ngăn cách lịch sử cai trị thuộc địa của Vương quốc Anh.
Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích đã phản đối đề xuất trên.