Ấn Độ áp thuế 30% với giao dịch tiền mã hóa

Chia sẻ Facebook
26/03/2022 12:08:48

Quốc hội Ấn Độ vừa thông qua luật mới áp mức thuế 30% với giao dịch tiền mã hóa, xếp giao dịch này cùng hạng mục chịu thuế như giao dịch chứng khoán.

Logo biểu tượng đồng bitcoin trên nền màu biểu trưng quốc kỳ Ấn Độ - Ảnh minh họa: LATESTCRYPTO


Theo trang Coindesk , luật mới này sẽ có hiệu lực sau 1 tuần nữa kể từ ngày được Quốc hội Ấn Độ chính thức thông qua 25-3.

Như vậy, người Ấn Độ sẽ phải trả 30% thuế trên thặng dư vốn (capital gains tax), tức khoản thuế được đánh giá dựa trên chênh lệch giữa giá bán của tài sản và giá mua ban đầu của nó, trong các giao dịch tiền mã hóa.

Bên cạnh khoản thuế nói trên, khi mua hay bán tiền mã hóa, người Ấn Độ cũng sẽ phải trả 1% thuế khấu trừ tại nguồn. Thuế trên thặng dư vốn có hiệu lực từ 1-4, trong khi thuế khấu trừ tại nguồn có hiệu lực từ 1-7.

Theo Hãng tin Quartz, giới chuyên gia cho rằng việc áp thuế khấu trừ tại nguồn sẽ giúp ngăn chặn các giao dịch đầu cơ. Nhà sáng lập Nischal Shetty của nền tảng giao dịch tiền mã hóa WazirX ước tính chính sách thuế mới có thể mang lại thêm 100 triệu USD thu nhập ngân sách cho chính phủ.

Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman là người đệ trình và thúc đẩy luật thu thuế mới với các giao dịch tiền mã hóa này tại Ấn Độ.

Hơn 20% thành viên Hạ viện Ấn Độ phản đối mạnh mẽ dự luật này. Họ chỉ trích sự thiếu rõ ràng trong việc định nghĩa tiền mã hóa trong luật, nhiều nghị sĩ cho rằng việc áp thuế như vậy sẽ "chấm dứt ngành công nghiệp tiền mã hóa". Luật mới này đã gây tranh cãi và bức xúc nhiều trong giới đầu tư tiền mã hóa tại Ấn Độ.

Công an TP.HCM vừa khởi tố các đối tượng lừa đầu tư tiền mã hóa, sau đó khóa sàn không thể đăng nhập giao dịch, rút tiền. Công an xác định đến nay đã có trên 150 người tố cáo Tuấn và đồng bọn chiếm đoạt hơn 23 tỉ đồng.

Chia sẻ Facebook