An dân, nới sức và liêm chính

Chia sẻ Facebook
09/06/2022 01:41:44

Thêm các quan chức cao cấp sai phạm pháp luật và có lối sống suy thoái bắt đầu "vào lò" đã trở thành tin tức nóng hổi những ngày qua.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo và lãnh đạo các ngành hãy đưa con đến trường - bằng xe của mình, cùng họp phụ huynh, cùng đi mua sách giáo khoa... - Ảnh minh họa: VĨNH HÀ


Công cuộc "đốt lò" không những đang cho những kẻ hại dân, hại nước ra tòa mà còn mong rằng đó là cảnh báo đỏ cho các công bộc ở bất cứ lĩnh vực nào cũng phải hướng về và quay về với nghĩa vụ lo cho dân.

Tuy nhiên, chỉ bằng thanh tra và giám sát, xử lý bộ máy công vụ không thôi thì chưa đủ để có bộ máy làm dân an tâm, nhất là trong cuộc sống bộn bề lo toan hiện giờ. Nhất là vào thời điểm các dịch bệnh nguy hiểm còn đang đe dọa, cơn "bão giá" và lạm phát do cuộc chiến ở Ukraine và nhiều nguyên nhân khác đang hoành hành.

Đặc biệt, vào mùa hè này, xăng tiếp tục lên giá, sách giáo khoa và học phí cùng nhiều mặt hàng khác nhấp nhổm tăng vọt. Trong khi đó, ngập lụt và tắc nghẽn giao thông ở các đô thị lớn và ngay cả các sân bay đang trở lại.

Ở nông thôn, nhiều loại nông sản rớt giá giữa lúc nhân lực ly nông và ly hương trở thành hiện tượng thường trực. Chưa kể các hiểm họa về biến đổi khí hậu, môi trường ô nhiễm, tài nguyên cạn kiệt đều là những vấn nạn không còn xa xôi.

Tất cả những nỗi lo cũ và mới nói trên đang trở thành ám ảnh xuyên suốt với những người dân thu nhập thấp, chính quyền và công dân khắc khoải vì vận mệnh quốc gia. Không chỉ riêng Việt Nam, nhìn rộng ra nhiều nước trên thế giới, từ siêu cường đến những nước đồng cỡ với Việt Nam, đều đang vất vả đối phó với nhiều vấn đề tương tự.

Khoan sức dân - nới sức dân cần phải được đặt lên hàng đầu lúc này. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy chính quyền ở đâu cũng cần tránh gia tăng gánh nặng tài chính và thuế khóa cho dân - những khi có biến cố về thiên tai, dịch họa hay các tác động xấu từ bên ngoài.

Chính quyền không thể bắt dân phải đóng góp nhiều khoản cho chi phí quốc gia vào các thời điểm sức dân đang hao mòn. Ngược lại, vào các thời điểm khủng hoảng kinh tế, bộ máy nhà nước phải bằng tài "kinh bang tế thế" của mình, huy động trí tuệ toàn dân, cũng như các nguồn tài nguyên và các nguồn thu nhập khác để san sẻ khó khăn, giảm thiểu thiệt hại cho dân.

Thế nhưng, để an dân, Nhà nước không chỉ thực hiện những chính sách đòn bẩy nói trên. Đi đôi với những kế sách này, thời nào cũng thế, các chính khách và quan chức phải nêu gương liêm chính.

Ở Việt Nam, thời đương đại, không thiếu những tấm gương quan chức liêm chính song cũng "đếm không xuể" những nhân vật sống xa hoa, tham nhũng đã và đang bị lôi ra ánh sáng.

Để làm bức tranh xã hội thay đổi, thiết nghĩ các quan chức trong sạch, đàng hoàng cần làm nhiều hơn, thực hiện nhiều hơn các hoạt động thể hiện khí khái cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư ngay trong cuộc sống riêng tư cũng như công cộng.

Chẳng hạn các nhà lãnh đạo các cấp hãy cùng đi chợ và đi xe buýt với dân, cùng vào ăn cơm và vào xem các nhà trọ bình dân, cùng đi khám bệnh ở các nhà thương công.

Các bộ trưởng - dẫn đầu là bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo và lãnh đạo các ngành hãy đưa con đến trường - bằng xe của mình, cùng họp phụ huynh, cùng đi mua sách giáo khoa.

Trong khi đó, các đại biểu Quốc hội, các lãnh đạo cơ quan và doanh nghiệp nhà nước hãy từ chối đi máy bay hạng thương gia, từ chối những tiêu chuẩn VIP nào nếu có trong y tế và du lịch để tiết kiệm cho ngân sách cũng như chi tiêu của chính mình.

Trên thế giới, các chính khách của dân thường xuyên "đi vào dân", "mặc áo dân" bằng nhiều cách "vi hành" hay "công hành", như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng làm để lắng nghe nỗi niềm và đóng góp của dân. Hãy coi đó là hoạt động tự nhiên, là lịch làm việc hằng tuần, không cần "tiền hô hậu ủng" tốn kém và lắm lúc không thật.


Các quan chức cần nêu gương cụ thể như thế thì người dân luôn an tâm, thấy Nhà nước không phải là "phụ mẫu" mà thực sự là người đồng hành, "đồng cam cộng khổ" trong những ngày tháng khó khăn, thay vì chỉ thấy những quan chức "sống ở trên" và liên tục có những quan chức sai phạm "vào lò" bào mòn lòng tin của dân.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Phạm Công Tạc, thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ, bằng hình thức buộc thôi việc.

Chia sẻ Facebook