Ăn cà tím cần tránh sai lầm này kẻo ngộ độc

Chia sẻ Facebook
02/06/2022 23:48:01

Cà tím có nhiều lợi ích đối với sức khỏe như cải thiện lưu thông máu, kiểm soát tiểu đường,…tuy nhiên nếu ăn sai cách có thể gây ngộ độc.


Cà tím có tên khoa học là solanum melongena, có nguồn gốc Ấn Độ. Trong thành phần của cà tím có 92% nước, 5,5% glucid, 1,3% protid, 0,2% lipid. Các khoáng chất (tính theo mg/100g) gồm: kali 220, phốt pho 15, magiê 12, calcium 10, lưu huỳnh 15, clor 15, sắt 0,5, mangan 0,2, kẽm 0,2, đồng 0,1, iod 0,002. Các vitatmin B1, B12, PP rất ít, nhiều chất nhầy.

Với thành phần dinh dưỡng phong phú, cà tím là thực phẩm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe . Cà tím đặc biệt hữu ích trong việc điều trị bệnh ung thư đại tràng nhờ chứa một lượng lớn chất xơ hấp thụ độc tố và hóa chất có thể dẫn đến sự phát triển của ung thư đại tràng.

Ngoài ra cà tím chứa nhiều nước và potassium có khả năng kích thích nhịp tim hoạt động tốt. Cà tím cũng giúp duy trì huyết áp ở mức bình thường. Lượng cholesterol và huyết áp ổn định góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Thêm vào đó, magiê, canxi cùng với vitamin A và C trong cà tím có tác dụng cải thiện cấu trúc xương giúp tăng cường hệ miễn dịch. Đồng thời magiê trong cà tím còn chống lại cảm giác bồn chồn, lo lắng và chứng mất ngủ…

Với lượng nước, chất xơ dồi dào cùng với các sợi hòa tan, cà tím còn có tác dụng kích thích và hỗ trợ hệ tiêu hóa rất tích cực. Ăn cà tím giúp cho ruột được hoạt động trơn tru và bài tiết, loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể một cách thuận lợi nên rất tốt cho người bị đau dạ dày.

Cà tím cũng chứa chất chống ôxy hóa lutein và zeaxanthin. Lutein đóng một vai trò quan trọng trong sức khỏe của mắt và nó có thể giúp ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng do tuổi tác, có thể dẫn đến mất thị lực ở người lớn tuổi.

Tuy có nhiều lợi ích nhưng không phải ai ăn cà tím cũng tốt. Những người sau đây không nên ăn cà tím để tránh gặp vấn đề về sức khỏe.


Người bị bệnh dạ dày

Người mắc bệnh dạ dày cần lưu ý khi ăn cà tím bởi cà tím có tính hàn, ăn nhiều dễ làm cho dạ dày cảm thấy khó chịu gây ra tiêu chảy nặng.


Người thể trạng yếu

Do cà tím có tính hàn nên những người yếu mệt hay thể trạng kém cũng không nên ăn nhiều và thường xuyên.


Người bị thấp khớp, đau nhức

Bên cạnh đó, những người bị thấp khớp, đau nhức khi trời lạnh không nên ăn nhiều, thường xuyên, đặc biệt là cà tím chiên rán vì chứa quá nhiều dầu có thể gây viêm tấy...


Người bị hen suyễn, mắc bệnh thận

Người bị hen suyễn, mắc bệnh thận cũng không nên ăn cà tím bởi cà tím chứa lượng oxalate cao - loại axit có trong thực vật mà nếu ăn quá nhiều dễ gây sỏi thận.

Cà tím sống chứa độc tố solanine có thể gây ngộ độc. Ảnh minh họa.

Và ngay cả đối với người bình thường khi ăn cà tím cũng cần lưu ý những điều sau:


Ăn nhiều cà tím dễ bị ngộ độc

Trong cà tím có chứa một chất gọi là solanine, có tác dụng chống oxy hóa và ức chế tế bào ung thư nhưng cũng có tác dụng kích thích mạnh mẽ lên các trung tâm hô hấp, có tác dụng gây mê. Khi ăn quá nhiều cà tím có thể gây độc. Solanine lại hòa tan trong nước không đáng kể nên khi đun sôi vẫn không thể được phá hủy được chất này.

Để giảm chất này, khi chế biến bạn cho thêm chút giấm sẽ thúc đẩy sự phân hủy của solanine.

Trong cà tím còn chứa một lượng nicotine cao hơn bất kỳ loại trái khác, với nồng độ 0,01mg/100g. Để tránh độc, chỉ nên ăn cà tím 2-3 lần/ tuần, mỗi lần khoảng 100 – 200g bằng cách nấu các món ăn đơn giản để ăn cùng cơm.


Không đun cà tím ở nhiệt độ quá cao

Khi đun ở nhiệt độ quá cao, cà tím sẽ thất thoát nhiều chất dinh dưỡng. Thậm chí, chiên có thể làm hao hụt đến 50% lượng vitamin trong cà tím.


Không ăn sống cà tím

Nhiều tạp chí y học báo cáo có hiện tượng ngứa ở ngoài da và miệng sau khi ăn cà tím do trong cà tím có chứa một loại protein và một số chất chuyển hóa có tác dụng như một loại histamin hàm lượng cao. Do đó, bạn cần nấu chín kỹ cà tím trước khi ăn.

Tốt nhất bạn nên ăn cà ninh hoặc hầm nhừ sẽ không làm mất đi những thành phần dinh dưỡng vốn có mà vẫn giúp bạn có một món ăn ngon, bổ dưỡng. Ngoài ra nên ngâm cà qua nước pha muối sau đó rửa lại các miếng cà tím đã thái sẽ làm nó mềm hơn và loại bỏ gần hết vị đắng của cà, giúp món ăn ngon hơn.


Không nên gọt vỏ khi ăn

Chất dinh dưỡng trong cà tím không chỉ có ở phần thịt quả mà ngay ở phần vỏ cũng rất cao, đặc biệt là hàm lượng vitamin P. Bỏ vỏ cà tím khi ăn đồng nghĩa với việc bạn đã vứt bỏ một nửa lượng vitamin P từ cà tím. Vì vậy, khi chế biến cà tím, chúng ta nên giữ nguyên phần vỏ.

Chia sẻ Facebook