Âm nhạc trên băng cassette liệu có quay trở lại?
Sau gần 50 năm, nhu cầu đối với cassette và các dòng máy nghe nhạc cổ đang bùng nổ trở lại.
Sony đã ra mắt Walkman TPS-L2, chiếc máy nghe nhạc cassette di động đầu tiên trên thế giới vào năm 1979 với giá 33.000 yên. Sau gần 50 năm, chúng đã trị giá tới 100.000 yên, trong bối cảnh nhu cầu đối với các máy nghe nhạc cổ bùng nổ trở lại. Nhiều model đắt gấp 5 lần so với 10 năm trước đó song vẫn tìm được chủ, phần lớn là các khách người Nhật và Mỹ.
"Ngay cả máy xấu cũng có giá 30.000 yên (219 USD)", đại diện BuySell Technologies, công ty bán hàng cũ tại Tokyo (Nhật Bản) cho biết.
Một thập kỷ trước, những chiếc Walkmans thời đầu nếu còn hoạt động tốt thường được bán với giá khoảng 10.000 yên đến 20.000 yên. Tuy nhiên, hiện tại, giá đã tăng gần gấp 5 lần do độ khan hiếm cũng như sự nổi lên của trào lưu "mang theo máy cassette bên người".
Máy nghe nhạc cassette trở nên phổ biến từ những năm 1970 và đạt thời hoàng kim vào những năm 1980, sau khi Walkman được phát hành. Đến năm 1988, riêng hãng Philips, nhà sản xuất thiết bị điện tử khổng lồ của Hà Lan, đã bán được khoảng 3 tỷ băng cassette. Những hãng sản xuất băng Cassette nổi tiếng khác có thể kể ra như TDK, Maxell, BASF, Sony, JVC, Nakamichi,…
Tuy nhiên, cùng với sự biến chuyển nhanh chóng của thị trường kỹ thuật số, những sản phẩm này dần bị lãng quên và bị đĩa CD thay thế. Nhu cầu mới chỉ bất ngờ xuất hiện trở lại trong vài năm gần đây, đặc biệt ở những khách hàng hoài cổ. Theo Guardian, doanh số của băng cassette tăng 125% trong năm 2018. 50.000 bản album trên băng cassette đã được tiêu thụ tại Anh cùng năm, mức kỷ lục sau 15 năm.
Theo Nikkei Asia, máy nghe nhạc cassette chủ yếu được bán với giá trung bình khoảng 5.000 yên đến 7.000 yên vào năm 2019 và năm nay đã tăng lên 9.000 yên, theo nền tảng đấu giá trực tuyến Aucfan. Người mua chủ yếu là nam giới lớn tuổi có thu nhập cao để thỏa mãn chi tiêu phục vụ sở thích.
"Tôi không rõ khách hàng có thực sự nghe băng cassette họ mua hay không, nhưng chúng thực sự là một vật kỷ niệm đẹp để bạn bỏ túi hoặc sưu tập. Doanh số bán ra gần đây cho thấy sự gia tăng nhu cầu đối với các định dạng "retro" này, đặc biệt trong giới trẻ, là có thật", Emily Waller, giám đốc marketing của một cửa hàng băng đĩa cho biết.
Một số khách hàng còn sưu tầm cassette quý hiếm từ nước ngoài. Beenos có trụ sở tại Tokyo chia sẻ rằng máy nghe nhạc cassette trên Sekaimon, một nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, đã được bán với giá trung bình 24.000 yên trong năm nay, cao hơn khoảng 50% so với năm 2021. Người mua có độ tuổi trung bình là 45; 90% là nam giới.
Việc băng cassette quay lại ồ ạt trên thị trường âm nhạc kéo theo sự hồi sinh của các công ty sản xuất, vốn gần như chết yểu trước đó. Hiện nay, họ vẫn sản xuất máy nghe nhạc cassette, chủ yếu làm bằng nhựa, nhẹ và rẻ. Trong khi đó, những người thích sự chắc chắn của thép và nhôm lại có xu hướng lựa chọn các mẫu máy cassette cổ giá trị hơn.
“Những người hâm mộ bị thu hút bởi thép có xu hướng thích những máy nghe nhạc cổ điển", Tomohiro Takeno tại Lawson Entertainment, công ty điều hành các cửa hàng băng đĩa và băng cassette cho biết.
Những người đam mê băng cassette ở nước ngoài không thể đến Nhật Bản do đại dịch hiện đang săn lùng món đồ cổ trên các thị trường thứ cấp trực tuyến.
“Bởi vì đồng yên hiện đang rất yếu nên khách hàng nước ngoài mua cassette chất lượng cao với giá hời”, nhà sưu tập đồ điện tử Junichi Matsuzaki cho biết.
Matsuzaki cũng chia sẻ với tờ Nikkei Asia rằng hiện anh đang có khoảng 5.000 chiếc cassette đã qua sử dụng và các thiết bị khác từ khắp nơi trên thế giới. Một số nhà sưu tầm đồ cổ đã ngỏ lời muốn mua toàn bộ bộ sưu tập quý giá này của Matsuzaki.
Hiện doanh số bán cassette ở Mỹ đã tăng gấp đôi vào năm ngoái lên hơn 340.000 chiếc, cao nhất kể từ năm 2015, theo công ty dữ liệu giải trí Luminate. Các nghệ sĩ, ca sĩ giải trí, trong đó có Billie Eilish và Harry Styles, thậm chí còn phát hành nhạc trên băng cassette để đón đầu trào lưu này.
Không chỉ băng cassette, đĩa than (vinyl) cũng được ưa chuộng trở lại. Một báo cáo của BuzzAngle còn chỉ ra một điều thú vị, rằng các album cũ chính là nguồn động lực thúc đẩy sự phát triển doanh thu cả đĩa than và băng cassette. Phần lớn doanh thu của đĩa vinyl đến từ các album được phát hành cách đây 3 năm, phổ biến nhất là album của Michael Jackson, The Beatles, Fleetwood Mac…
Băng cassette dễ dàng mang đi khắp nơi, song do dễ hỏng sau một thời gian sử dụng, nên không thực sự tiện dụng trong thời đại kỹ thuật số. Ngay cả khi các nghệ sĩ đã phát hành nhạc trên băng cassette, thời kỳ hoàng kim của chiếc máy này có quay lại hay không hiện vẫn đang là dấu hỏi lớn. Yếu tố quyết định đến từ số lượng album mới phát hành trên cassette.
"So với những sản phẩm thu âm khác, nhạc mới trên băng cassette ít hơn nhiều", Tomohiro Takeno, đại diện chuỗi cửa hàng băng Lawson Entertainment chia sẻ.
Theo: Nikkei Asia, The Guardian
Xu hướng tuyển dụng ngành CNTT trên thế giới Bắt nhịp hay mất nhân sự?
Vũ Anh