Ám ảnh kiểu bán nhà “chảnh” của giới nhà giàu: Cọc xong mới được xem nhà, phải chồng đủ bằng tiền mặt
Để mua được căn hộ ở “thủ phủ” giới nhà giàu xưa thật sự không hề dễ dàng, khi họ đưa ra muôn vàn lý do oái oăm dành cho người mua. Những người nhà giàu bán nhà thường lựa chọn nói không với phương án giải ngân song song. Thậm chí, có người nhà giàu bán nhà yêu cầu phải cọc mới được xem nhà.
Dù căn hộ tại Sudico Mỹ Đình đã được bàn giao tới 14 năm, thậm chí nhiều toà đã xuống cấp trầm trọng nhưng chủ nhà vẫn đưa ra muôn vàn lý do yêu cầu “đặc biệt” cho khách mua.
Khi mua nhà tại khu vực này, chị M. (Hoài Đức, Hà Nội) còn thừa nhận, không tin được rằng, lại có những chủ nhà có cách bán kỳ lạ đến như vậy.
Chị M. cho biết, tháng 6/2022, vợ chồng chị dự tính bán chung cư hiện tại, chuyển nhà vào Mỹ Đình để tiện việc đi làm và cho con đi học. Sau khi tham khảo thị trường, vợ chồng chị dự tính mua căn hộ chung cư tại Sudico Mỹ Đình.
Thông qua môi giới, chị M. được giới thiệu một số căn hộ 2 phòng ngủ diện tích 90m2 và căn hộ hơn 110m2, 3 phòng ngủ. Về số lượng căn hộ bán ra thị trường khá ít nên vợ chồng chị cũng không có nhiều lựa chọn.
“Chúng tôi được cho xem căn hộ 90m2 qua video quay trực diện không gian và nội thất. Sau khi nắm được giá và diện tích, chúng tôi nhờ môi giới dẫn qua xem.
Tuy nhiên, thông tin mà chúng tôi nhận được rằng, phía chủ nhà yêu cầu, xem nhà qua video nếu ưng thì qua cọc tiền. Nếu đồng ý cọc tiền đầy đủ, chủ nhà mới cho xem trực diện nhà. Vì căn nhà này đang cho thuê.
Chúng tôi ngạc nhiên quá. Vì rõ ràng, nếu không được vào xem nhà thì làm sao biết được thiết kế không gian, nội thất như thế nào hay chất lượng nhà có làm sao, bị dột, thấm nước hay hỏng hóc. Nhưng phía chủ nhà vẫn yêu cầu như vậy mà nhất quyết không cho khách xem nhà”, chị M. cho biết.
Cũng theo chị M, hơn 2 tháng sau khi hỏi lại căn hộ này, chủ nhà chưa bán được cho ai những vẫn giữ yêu cầu: “Phải cọc tiền mới được xem nhà”.
Một tình huống khác mà chị M. kể lại rằng: “Chúng tôi ưng một căn 3 phòng ngủ khác với mức giá hơn 3 tỷ đồng. Khi đó, chúng tôi trao đổi với chủ nhà về việc giải ngân song song với mức 50% còn lại.
Thế nhưng chủ nhà nhất quyết không đồng ý với phương án này với lý do: Ngại thủ tục với ngân hàng. Họ yêu cầu phải chồng đủ tiều mặt.
Mà điều tôi thấy lạ, các căn mà tôi hỏi ở khu vực này, chưa thấy chủ nhà nào đồng ý cho giải ngân song song dù tôi giải thích đây là thủ tục nhanh chóng, dễ dàng và hiện được sử dụng rất nhiều”.
Cũng theo chị M. kể thêm: “Thông thường đi mua nhà phải xem sổ đỏ để chắc chắn về pháp lý. Khi tôi làm việc với một chủ nhà khác và đề nghị xem ảnh sổ, có thể xoá thông tin không cần thiết. Nhưng chủ nhà thông báo rằng, cứ chốt mua và cọc, họ sẽ cho xem ảnh sổ đỏ”.
“Tôi chưa bao giờ rơi vào tình huống mua – bán nhà lạ thế này vì thông thường phía chủ nhà khi đã mong muốn bán. Họ sẽ phải cung cấp thông tin như sổ đỏ, hay để khách hàng vào xem nhà như thế nào. Ngay cả những thông tin cơ bản về căn hộ mà chủ nhà không cung cấp thì làm sao người mua nhà có thể dám xuống tiền được.
Lần đầu tiên tôi cảm thấy mua nhà trị giá vài tỷ đồng mà như mua mớ rau ngoài chợ, nhắm mắt mà nhặt thế này. Chưa kể, khu vực đã bàn giao từ năm 2009, một số toà còn xuống cấp, bong vữa tường, thiết kế trong mỗi căn hộ cũ và không tối ưu được công năng”, chị M. nói thêm.
Tương tự như chị M., anh D. cũng kể lại câu chuyện đi mua nhà tại Sudico Mỹ Đình. Trước đó, vợ chồng anh D. ưng căn hộ 3 phòng ngủ với giá 3 tỷ đồng. Quyết định cọc tiền, vợ chồng anh D. đến làm việc với chủ nhà. Nhưng, chủ nhà nhất quyết không nhận cọc với lý do muốn tăng thêm 100 triệu đồng.
"Buồn cười ở điểm đó là chủ nhà quyết định rao bán. Chúng tôi đến xem nhà luôn và chốt mua. Thấy chúng tôi chốt nhanh, chủ nhà lại tăng giá luôn. Để được việc, chúng tôi chấp nhận cọc và mua. Thời điểm đó khi đi tìm mua nhà khu vực này, chủ nhà ở đây "chảnh". Mình nhắn tin hỏi hay gọi điện, họ cũng không nhiệt tình và thậm chí còn chả nhắn tin trả lời lại", anh D. nói thêm.
Theo môi giới khu vực này, Sudico Mỹ Đình được bàn giao từ nằm 2009 và nổi tiếng là “thủ phủ giới nhà giàu đời đầu Hà Nội”. Thế nên, những chủ nhà rao bán đều trong tâm lý “không bán cũng được, ai thực sự thiện chí mới bán”.
“Thậm chí đến môi giới gọi điện trao đổi công việc về việc mua bán. Chủ nhà cũng thờ ơ. Với dự án khác, chủ nhà khi quyết định bán đều thiện chí trong việc cung cấp thông tin, trao đổi, đàm phán với khách mua nhà. Còn ở khu vực Sudico Mỹ Đình, chắc đến phần lớn, chủ nhà đều “chảnh” trong rao bán”, môi giới này nói.