Alphabet thí điểm sử dụng công nghệ laser cung cấp dịch vụ internet cho vùng sâu, vùng xa
VietTimes – Công ty mẹ của Google, Alphabet đang thử nghiệm sử dụng công nghệ laser để cung cấp dịch vụ internet giá rẻ, băng thông rộng đến những vùng sâu, vùng xa.
Dự án được gọi là Taara là một phần trong khuôn khổ chương trình phòng thí nghiệm đổi mới của Alphabet, có tên gọi là X-lab, có biệt danh là "Nhà máy Moonshot".
Công ty mẹ của Google, Alphabet cung cấp dịch vụ internet tốc độ cao, sử dụng công nghệ laser. Video Euronews.next
Trang Euronews, dẫn bản tin của Reuters cho biết, theo Giám đốc điều hành dự án Taraa Mahesh Krishnaswamy, chương trình được bắt đầu vào năm 2016, khi phương án sử dụng khinh khí cầu trên tầng bình lưu, cung cấp internet cho các vùng xa trung tâm phải hủy bỏ do chi phí vận hành quá cao.
Công nghệ truyền thông internet ứng dụng laser sử dụng một thiết bị đầu cuối có kích thước bằng đèn biển báo dừng, chiếu chùm tia laser mang dữ liệu đến một thiết bị đầu cuối khác tương tự cho phép cung cấp khả năng truy cập Internet tốc độ cao. Về bản chất đây là mạng truyền thông internet quang điện nhưng không sử dụng cáp quang.
Ông Krishnaswamy giải thích, những năm qua, dự án đã cho thấy tính khả thi trong quá trình thí điểm áp dụng. Hiện nay, đối tác viễn thông của Alphabet, công ty Bharti Airtel ở Ấn Độ đang sử dụng các thiết bị do công ty X-lab chế tạo ra để xây dựng cơ sở hạ tầng Internet ở những vùng sâu, vùng xa, khó tiếp cận và triển khai hạ tầng cáp quang viễn thông.
Các giám đốc điều hành dự án Taara và Bharti Airtel cho biết, hai doanh nghiệp đang nghiên cứu tính khả thi của công nghệ để có thể triển khai quy mô lớn công nghệ viễn thông Internet laser mới ở Ấn Độ. Ông Krishnaswamy cho biết thêm, Taara đang hỗ trợ triển khai các dịch vụ Internet ở 13 quốc gia, bao gồm Australia, Kenya và Fiji bằng công nghệ truyền thông Internet ứng dụng laser
Internet tốc độ cao ứng dụng công nghệ laser
Tại phòng thí nghiệm của Dự án Taara tại Mountain View, bang California, nhóm kỹ sư của ông Krishnaswamy tiến hành những thử nghiệm với những gương cầu với độ dài tiêu cự khác nhau, những bàn đặc biệt được thiết kế để mô phỏng các điều kiện mà thiết bị thu phát laser đầu cuối phải chịu tác động ngoài hiện trường như bị rung lắc do gió, động vật hoặc ảnh hưởng của giao thông.
Ông Krishnaswamy nói, trong tư duy của ông đã lóe lên ý tưởng bất ngờ về sáng kiến mới này khi làm việc trong dự án Internet khinh khí cầu thất bại mang tên là Loon, sử dụng tia laser để kết nối dữ liệu giữa những quả bóng bay.
Ông Krishnaswamy gần đây trực tiếp làm việc tại Osur, một ngôi làng ở Ấn Độ, nơi ông đã sống qua những mùa hè thời thơ ấu, cách thành phố Chennai 3 giờ xe chạy về phía nam để lắp đặt các thiết bị Taara. Ông cho biết, làng Osur sẽ nhận được Internet tốc độ cao lần đầu tiên vào mùa hè này.
Giám đốc Mahesh Krishnaswamy nhấn mạnh: “Có hàng trăm nghìn ngôi làng tương tự trên khắp Ấn Độ. "Tôi nóng lòng muốn thấy được, công nghệ sẽ được triển khai rộng rãi để tất cả những người dân từ những ngôi làng hẻo lánh đó có thể lên mạng".
Astro Teller, Giám đốc điều hành X-lab của Alphabet nhận xét: "Taara cung cấp dung lượng dữ liệu mỗi ngày lớn hơn và ổn định hơn nhiều so với Loon đã thực hiện trong toàn bộ quá trình khai thác sử dụng thí điểm".
Tháng 7/2020, Google cam kết đầu tư 10 tỉ USD (9,1 tỉ euro) để chuyển đổi số Ấn Độ. Công ty đã đầu tư 700 triệu USD (639 triệu euro) cho 1,28% cổ phần của Bharti Airtel vào năm 2022. X-lab và Google là các công ty thành viên của Alphabet, đồng thời dự án Taara trong mối quan hệ hợp tác với đối tác Bharti Airtel hoàn toàn tách biệt với khoản đầu tư của Google.
Theo EuroNews