Ai trả lãi 560 tỉ đồng phát sinh của dự án BOT Cai Lậy?
Chủ đầu tư BOT Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết trong 5 năm không được thu lãi suất ngân hàng phát sinh đến hơn 500 tỉ đồng. Doanh nghiệp vẫn miễn, giảm giá vé cho người dân trong phạm vi 10 km khi thu phí lại.
Ai trả lãi 560 tỉ đồng phát sinh của dự án BOT Cai Lậy?
BOT Cai Lậy chưa chốt được tổng thời gian thu phí
Ngày 5.10, Tổng cục Đường bộ, UBND tỉnh Tiền Giang và Giám đốc Công ty TNHH đầu tư QL1 Tiền Giang (doanh nghiệp dự án) tổ chức họp báo thông tin về việc tổ chức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đối với “Dự án đầu tư xây dựng công trình QL1 đoạn tránh TT.Cai Lậy và tăng cường mặt đường km1987+560-Km2-1014+000” (gọi tắt là BOT Cai Lậy).
Theo đại diện Tổng cục đường bộ, được sự thống nhất của UBND tỉnh Tiền Giang, Tổng cục đường bộ VN quyết định thời gian thu phí trở lại đối với BOT Cai Lậy là từ 7 giờ ngày 7.10. Việc thu phí được thực hiện trên 2 trạm (trạm trên tuyến tránh và trạm đặt trên QL1). Về giá vé, trạm trên QL1 thấp nhất là 14.000 đồng và cao nhất 118.000 đồng/xe/lượt; trạm trên tuyến tránh Cai Lậy có giá thấp nhất 24.000 đồng, cao nhất 137.000 đồng/xe/lượt.
Thời gian thu phí ban đầu (khi phê duyệt dự án) là 6 năm 4 tháng 29 ngày. Tuy nhiên, do có phát sinh số tiền hơn 60 tỉ đồng từ việc đầu tư trạm BOT trên tuyến tránh Cai Lậy và đổi mới giải pháp công nghệ, cùng với lãi suất ngân hàng phát sinh hơn 500 tỉ đồng trong thời gian 5 năm không tổ chức thu phí được nên Tổng cục Đường bộ VN, UBND tỉnh Tiền Giang và doanh nghiệp dự án sẽ có thống nhất về thời gian thu phí sau. Tinh thần là phần chi phí phát sinh so với phương án tài chính này vẫn sẽ tính vào chi phí đầu tư của toàn dự án, nhưng phải chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ông Lê Trung Duy, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư QL1 Tiền Giang, cho biết hơn 10 ngày BOT Cai Lậy thu phí thử nghiệm, mỗi ngày có khoảng 3.000 xe qua trạm đặt trên tuyến tránh Cai Lậy và 17.000 lượt phương tiện di chuyển qua trạm đặt trên QL1. Tuy vậy, lượng phương tiện khả năng sẽ có sự thay đổi khi bắt đầu thu phí chính thức.
Dùng tiền lẻ khi qua trạm sẽ bị xử lý ra sao?
Trả lời phóng viên về quan điểm xử lý nếu các tài xế tiếp tục dùng tiền lẻ để phản ứng việc thu phí như đã diễn ra hồi năm 2017, đại tá Nguyễn Văn Tảo, Phó giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, khẳng định: “Vi phạm đến đâu xử đến đó. Tùy mức độ có thể là xử phạt hành chính hoặc khởi tố hình sự”.
Dự án BOT Cai Lậy có tổng vốn đầu tư ban đầu 1.398 tỉ đồng. Dự án được hoàn thành và tổ chức thu phí từ ngày 1.8.2017. Tuy nhiên, do có những diễn biến phức tạp về an ninh, các tài xế không đồng tình và phản đối bằng cách dùng tiền lẻ để trả gây tắc nghẽn giao thông trên QL1, ngày 4.12.2017, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tạm dừng thu phí để nghiên cứu phương án xử lý cho đến nay.
Giá thu phí chính thức đối với từng loại xe
BOT Cai Lậy miễn, giảm về giá vé cho phương tiện của các tổ chức, cá nhân trong 4 địa phương cấp huyện (TX.Cai Lậy và 3 huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước) với 41 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Cụ thể, xe cá nhân của người dân ở 41 xã, phường nằm trong bán kính 10 km quanh trạm thu phí được miễn vé qua trạm. Đối với xe có kinh doanh nằm trong 41 xã, phường của TX.Cai Lậy và các huyện nêu trên sẽ áp dụng mức giá đối với xe nhóm 1 là 6.000 đồng/lượt; xe nhóm 2 là 11.000 đồng/lượt; nhóm 3 là 14.000 đồng/lượt; nhóm 4, nhóm 5 lần lượt áp dụng mức giá vé 24.000 và 59.000 đồng/lượt.
Mức phí qua trạm BOT Cai Lậy được áp dụng đối với các phương tiện không thuộc diện miễn, giảm có giá vé, như sau:
Nhóm 1: Ô tô dưới 12 ghế ngồi, xe tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng là 14.000 đồng/lượt.
Nhóm 2: Xe ô tô từ 12 đến 30 ghế ngồi, xe tải từ 2 đến dưới 4 tấn là 24.000 đồng/lượt.
Nhóm 3: Giá vé cho xe khách từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải từ 4 đến dưới 10 tấn là 29.000 đồng/lượt.
Nhóm 4: Xe tải có tải trọng từ 10 đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 feet có giá vé 49.000 đồng/lượt.
Nhóm 5: Giá vé xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet là 118.000 đồng/lượt.
Bắc Bình
Thanh niên