Ai thắng thì con em đều là nạn nhân
Nhiều khi tính chất của vụ việc bạo lực học đường xảy ra không phức tạp, nhưng chính cách ứng xử không phù hợp ở cả gia đình và nhà trường lại đẩy sự việc trở nên phức tạp và rắc rối hơn.
Tệ hơn nữa là tác động xấu đến những người trong cuộc chính là các học sinh gây ra và cả nạn nhân bạo lực học đường.
Bạo lực học đường là vấn đề không hề mới. Hàng chục năm trước, các bậc phụ huynh hiện nay lúc ấy còn đang ngồi trên ghế nhà trường, tôi tin cũng đã có nhiều “kỷ niệm” nhớ đời trong việc “oánh nhau”.
Tuy nhiên nói vậy không phải coi nhẹ hay cổ súy cho bạo lực học đường, mà để chúng ta thấy rằng bạo lực học đường nếu có lúc này, lúc khác xảy ra ở chỗ này, chỗ kia cũng có một phần nguyên nhân từ những hiếu động tuổi học trò.
Đương nhiên trách nhiệm của người lớn - cả thầy cô, phụ huynh và những người liên quan phải có những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn bạo lực học đường.
Còn khi bạo lực học đường đã xảy ra, cách ứng xử của cả hai phía nhà trường và gia đình cũng vô cùng quan trọng.
Câu chuyện xảy ra gần đây ở một trường quốc tế tại TP.HCM là một ví dụ. Nhà trường cũng nhanh chóng vào cuộc nhưng vì chưa có đủ thông tin (theo giải trình của nhà trường với Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM mà báo chí đưa tin ngày 30-5), nên chưa xử lý triệt để theo kiểu xác định em nào có lỗi chính.
Bởi vậy có phụ huynh bức xúc cho rằng nhà trường không quan tâm, xử lý không thỏa đáng, bỏ mặc học sinh. Phụ huynh đã livestream trên mạng xã hội để nói về những bức xúc của mình, thu hút sự quan tâm của nhiều người với các bình luận trái chiều.
Tôi nghĩ ở đây người mẹ có thể không nghĩ đến việc mình nói lên bức xúc trong phút nóng giận nhất thời bằng cách livestream thì người bị tổn thương sâu sắc chính là con của mình. Cháu bé bỗng dưng "bị nổi tiếng" một cách bất đắc dĩ.
Một sự việc không hay mà rất có thể cháu không muốn có thêm ai biết, bỗng dưng trở nên ầm ĩ, kéo theo đó là biết bao bình luận ác ý có, khiếm nhã cũng có.
Về phía nhà trường, giá như kịp thời hơn trong việc tìm hiểu tường tận vấn đề, hòa giải mâu thuẫn của học sinh và làm việc kỹ hơn với phụ huynh học sinh thì mọi việc sẽ không ầm ĩ thế.
Bạo lực học đường xảy ra là điều đáng tiếc, nhưng đáng tiếc hơn khi những ứng xử chưa phù hợp từ hai phía gia đình và nhà trường đã đẩy mọi việc đi quá xa và so với bản chất ban đầu.
Có một sai lầm phổ biến trong ứng xử khi xảy ra bạo lực học đường thường thấy hiện nay là người lớn chỉ vì lợi ích của bản thân và gia đình, quên đi lợi ích của đối tượng cần được bảo vệ.
Nhiều phụ huynh chỉ muốn giải tỏa nỗi bực tức, chứng minh con mình là nạn nhân đau khổ... Nhà trường thì cố gắng phản ứng lại, thanh minh và trong lúc "lời qua tiếng lại" cả hai phía đều không nghĩ đến những tổn thương của chính con em, học trò của mình khi mọi chuyện ồn ào lên.
Vậy ứng xử thế nào cho phù hợp? Tôi nghĩ điều trước tiên phải giữ được sự bình tĩnh cần thiết để tìm hiểu vấn đề. Nguyên nhân thực chất của việc xảy ra tình trạng bạo lực học đường là gì? Câu hỏi này cần được giải đáp đầu tiên.
Khi có câu trả lời, cả nhà trường và gia đình cần phải gặp gỡ để thống nhất phương án xử lý tốt nhất trên nguyên tắc luôn tôn trọng, bảo vệ quyền lợi của học sinh - những đứa trẻ còn ít nhiều nông nổi, bột phát trong ứng xử với bạn bè, thầy cô.
Và hơn hết mọi người cần rèn luyện cho mình văn hóa nhận lỗi chứ không phải đổ lỗi. Nếu có thiếu sót về phía trường hay con em mình, hãy dũng cảm thừa nhận để khắc phục.
Như vậy mọi chuyện sẽ êm đẹp hơn nhiều, thay vì suy nghĩ "phải thắng, phải tìm cho ra lẽ, làm đến cùng". Bởi cho dù nhà trường hay phụ huynh thắng trong "cuộc chiến" như vậy, nạn nhân chính là con em chúng ta.
Ngày 30-5, Văn phòng UBND TP.HCM có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức về vụ việc ẩu đả tại một trường quốc tế tại TP.HCM đang thu hút sự quan tâm của dư luận.