Ai sẽ là thường trực Ban Bí thư thay ông Lương Cường?

Chia sẻ Facebook
27/10/2024 08:28:09

Sau khi Đại tướng Lương Cường lên làm chủ tịch nước thì Việt Nam đã có đầy đủ Tứ Trụ do bốn cá nhân khác nhau nắm giữ. Dự kiến, Bộ Chính trị sẽ sớm kiện toàn chức vụ thường trực Ban Bí thư.

23 tháng 10 2024

Trong khi chức vụ chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 có nhiều sóng gió với bốn sự thay đổi nhân sự thì vị trí thường trực Ban Bí thư cũng có nhiều lần thay đổi.

Ngày 5/2/2021, Bộ Chính trị phân công ông Võ Văn Thưởng giữ chức thường trực Ban Bí thư. Sau khi ông Thưởng được bầu lên làm chủ tịch nước vào 2/3/2023 thì bà Trương Thị Mai được chỉ định thay ông Thưởng ở vị trí thường trực Ban Bí thư.


Đến ngày 16/5/2024, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 9, bà Mai được cho thôi chức vì mắc khuyết điểm . Bộ Chính trị đã phân ông Lương Cường tham gia Ban Bí thư và giữ chức vụ thường trực Ban Bí thư thay cho bà Mai.


Ngày 21/10/2024, ông Lương Cường được Quốc hội bầu làm chủ tịch nước . Vì vậy, Bộ Chính trị sẽ sớm triệu tập cuộc họp để đồng ý cho ông Cường thôi giữ chức thường trực Ban Bí thư và phân công một ủy viên Bộ Chính trị đảm đương trọng trách này.

Tính luôn cả nhân vật sắp được Bộ Chính trị chỉ định, nhiệm kỳ 2021-2026 đã có tổng cộng bốn người thay nhau giữ chức thường trực Ban bí thư.

Chụp lại hình ảnh, Thường trực Ban Bí thư nhiệm kỳ 2021-2026: ông Võ Văn Thưởng, bà Trương Thị Mai, ông Lương Cường

Những ứng viên trong Ban Bí thư

Thường trực Ban Bí thư là một chức vụ quan trọng, chỉ xếp sau Tứ Trụ, nên tiêu chuẩn làm thường trực Ban Bí thư cũng tương tự các chức danh trong Tứ Trụ.

Để làm thường trực Ban Bí thư thì theo Quy định 214 QĐ/TW năm 2020, ngoài các tiêu chuẩn chung về tư tưởng, đạo đức, trình độ thì cá nhân phải tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên.

Bên cạnh đó, Quy định 214 còn đặt tiêu chuẩn cho vị trí thường trực Ban Bí thư là "đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương".

Hiện trong Bộ Chính trị chỉ còn ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính là thỏa mãn đủ các yêu cầu trên, nhưng việc hai ông này làm thường trực Ban Bí thư là khó xảy ra.

Do đó, dự kiến Bộ Chính trị sẽ phân công một trong các ủy viên Bộ Chính trị còn lại và áp dụng “trường hợp đặc biệt”.

Nếu tính về thâm niên, ngoài những nhân vật trong Tứ Trụ, những ủy viên Bộ Chính trị được bầu từ đầu khóa (tức từ năm 2021 tới nay) gồm:

Trần Cẩm Tú (Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương) Phan Đình Trạc (Trưởng ban Nội chính Trung ương) Nguyễn Hòa Bình (Phó Thủ tướng thường trực) Nguyễn Văn Nên (Bí thư Thành ủy TP HCM) Phan Văn Giang (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) Nguyễn Xuân Thắng (Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương)

Thường trực Ban Bí thư phải là người thuộc Ban bí thư. Trong số những ủy viên Bộ Chính trị nêu trên, các ông Trần Cẩm Tú, ông Phan Đình Trạc, ông Nguyễn Hòa Bình đã tham gia Ban Bí thư từ đầu khóa (tháng 4/2021).

Nếu Ban Chấp hành Trung ương không bầu thêm người vào Ban Bí thư thì khả năng cao Bộ Chính trị sẽ phân công một trong ba ông này giữ chức thường trực Ban Bí thư.

Trong số này, ông Nguyễn Hòa Bình vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính phân công làm phó thủ tướng thường trực nên rất ít khả năng sẽ sang làm thường trực Ban Bí thư, vì phân công như vậy sẽ lại có xáo trộn lớn.

Giáo sư Carl Thayer nhận định với BBC vào ngày 17/10 rằng nếu Tô Lâm và Bộ Chính trị phân công nhiệm vụ theo thâm niên thì có ba lựa chọn để thay thế chỗ trống của Lương Cường, ba người này đều cùng quê Nghệ An hoặc Hà Tĩnh, gồm: Trần Cẩm Tú, Phan Đình Trạc và Lê Minh Hưng.


Tuy nhiên, ông Lê Minh Hưng là người mới được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị hồi tháng 5/2024 nên tính cạnh tranh của ông cho chức vụ thường trực Ban Bí thư không cao so với hai ứng viên Trần Cẩm Tú và Phan Đình Trạc.

Chụp lại hình ảnh, Từ trái qua: ông Trần Cẩm Tú, ông Phan Đình Trạc, ông Nguyễn Hòa Bình, ông Lê Minh Hưng là những ủy viên Bộ Chính trị kiêm ủy viên Ban Bí thư

Ông Trần Cẩm Tú sinh năm 1961, quê ở Hà Tĩnh. Ông là ủy viên Trung ương Đảng khóa 10 (dự khuyết), 11, 12, 13 và là chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương hai khóa 12, 13.

Ông còn là phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và là đại biểu Quốc hội khóa 15. Trong quá trình công tác, ông Tú từng làm bí thư tỉnh ủy Thái Bình, còn hầu hết thời gian ông đều công tác trong Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Ông Phan Đình Trạc sinh năm 1958, quê quán Nghệ An. Ông là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11, 12, 13 và là đại biểu Quốc hội khóa 11, 12, 13, 14 và 15.

Ông là trưởng Ban Nội chính Trung ương và là phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ông Trạc có xuất thân từ ngành công an và từng làm giám đốc Công an tỉnh Nghệ An trước khi sang làm bên khối dân sự, phụ trách công tác đảng.

Bộ Chính trị hiện tại có 15 ủy viên. Trong đó, sáu người có nền tảng từ Bộ Công an và ba người từ quân đội.

Sau khi ông Lương Cường được bầu làm chủ tịch nước và nếu ông Trạc thay ông Cường ở vị trí thường trực Ban Bí thư thì sẽ có tới 3/5 vị trí chủ chốt gồm tổng bí thư, thủ tướng và thường trực Ban Bí thư do những người có xuất thân từ ngành công an nắm giữ.

Máy của bạn không hỗ trợ nghe xem Play video, "Chủ tịch nước Lương Cường: trường hợp đặc biệt", Thời lượng 7,04 07:04 Chụp lại video, Chủ tịch nước Lương Cường: trường hợp đặc biệt

Giáo sư Thayer cho rằng, tuy Bộ Chính trị có nhiều ủy viên đi lên từ Bộ Công an nhưng không có bằng chứng gì cho thấy những người này một lòng đoàn kết, bắt tay nhau dưới sự chỉ đạo của ông Tô Lâm. Thay vào đó, ông Thayer gợi ý rằng Bộ Chính trị gồm các đại diện từ một số nhóm gồm: nhóm Hưng Yên, nhóm Nghệ An- Hà Tĩnh, nhóm miền Nam, nhóm quân đội và nhóm công an.

Nếu xét dựa trên các nhóm mà Giáo sư Thayer gợi ý thì cơ hội ông Trần Cẩm Tú làm thường trực Ban Bí thư sẽ cao hơn vì ông quê ở Hà Tĩnh. Đây có thể là một lựa chọn tạo sự cân bằng giữa các nhóm và tránh tạo ấn tượng là một nhà nước "công an trị" khi có nhiều người đi lên từ ngành công an được giữ các vị trí chủ chốt.

Vì là giai đoạn giữa khóa, có thể ông Trần Cẩm Tú sẽ kiêm nhiệm cả hai chức vụ là thường trực Ban Bí thư và chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tương tự trường hợp ông Trần Quốc Vượng thời điểm giữa khóa 12.

Còn trong trường hợp ông Tú được miễn nhiệm để nhận nhiệm vụ mới thì Ban Chấp hành Trung ương phải triệu tập hội nghị để chọn người thay thế vì đây là chức danh do Trung ương Đảng bầu.

Lý do bầu chủ tịch nước mới mà không để Tổng Bí thư Tô Lâm kiêm nhiệm 22 tháng 10 năm 2024 Tân Chủ tịch nước Lương Cường được xét 'trường hợp đặc biệt' 21 tháng 10 năm 2024 Ông Lương Cường làm chủ tịch nước: bình luận của báo chí quốc tế 22 tháng 10 năm 2024

Các ứng viên khác

Chụp lại hình ảnh, Ông Nguyễn Xuân Thắng (phải) và ông Nguyễn Văn Nên (trái)

Ngoài những ứng viên trên, những ủy viên Bộ Chính trị chưa tham gia Ban Bí thư cũng có cơ hội cạnh tranh. Trường hợp này sẽ giống với ông Lương Cường.

Vào tháng 5/2024, ông Cường được Bộ Chính trị phân công tham gia Ban Bí thư rồi sau đó được chọn làm thường trực Ban Bí thư.

Ở nhóm này, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang và Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cũng có thể được Bộ Chính trị phân công nhiệm vụ mới.

Xét tính chất công việc về Đảng, ông Nguyễn Văn Nên và ông Nguyễn Xuân Thắng phù hợp với vị trí thường trực Ban Bí thư hơn Đại tướng Phan Văn Giang.

Ông Nguyễn Văn Nên sinh ngày 14/7/1957, quê quán tỉnh Tây Ninh. Trước khi làm Bí thư Thành ủy TP HCM, ông từng kinh qua các vị trí: trưởng công an huyện Gò Dầu (Tây Ninh); bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh; phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Ông Nguyễn Văn Nên là ủy viên Bộ Chính trị khóa 13; ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11, 12, 13. Ông là ủy viên Bộ Chính trị hiếm hoi không làm đại biểu Quốc hội khóa 15.

Ông Nguyễn Xuân Thắng sinh ngày 18/2/1957, quê quán Nghệ An. Ông là ủy viên Bộ Chính trị khóa 13, ủy viên Trung ương Đảng khóa 11, 12, 13 và là đại biểu Quốc hội khóa 15.

Trước khi giữ chức giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, ông Thắng từng kinh qua các vị trí tại Viện Kinh tế và Chính trị thế giới thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam trong giai đoạn 1995-2007.

Từ 2007-2011, ông làm phó chủ tịch rồi chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam và từng làm thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2017.

Thường trực Ban Bí thư

Chụp lại hình ảnh, Bộ Chính trị khóa 13 đã mất đi bảy ủy viên và chỉ còn Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính là làm trọn một nhiệm kỳ Bộ Chính trị trở lên, nên dự kiến thường trực Ban Bí thư kế nhiệm ông Lương Cường là "trường hợp đặc biệt"

Thường trực Ban Bí thư là một vị trí quan trọng trong hệ thống của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính đảng đóng vai trò độc tôn lãnh đạo toàn diện đất nước.

Những người nắm giữ vị trí này có cơ hội lên đảm nhiệm những cương vị cao hơn trong bộ máy lãnh đạo đảng và nhà nước. Trong đó, ba trường hợp mới nhất là ông Trương Tấn Sang, Võ Văn Thưởng và Lương Cường, sau thời gian làm thường trực Ban Bí thư đã thăng tiến lên làm chủ tịch nước.

Theo Điều 7 Quy định 80-QĐ/TW năm 2022 quy định về trách nhiệm và quyền hạn của thường trực Ban Bí thư như sau:

1. Quyết định đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, tái cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái cán bộ; phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng; cho thôi giữ chức vụ; tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn nhiệm, cách chức; khen thưởng, kỷ luật; thực hiện chế độ, chính sách đối với các chức danh cán bộ nêu tại Mục II, Phụ lục 1 của Quy định 80-QĐ/TW năm 2022 .

2. Quyết định kiểm tra, giám sát công tác cán bộ theo ủy quyền của Bộ Chính trị.

3. Định kỳ báo cáo Bộ Chính trị những vấn đề về công tác cán bộ và cán bộ do Ban Bí thư quản lý.

4. Ủy quyền cho các đồng chí: Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư trong phạm vi, lĩnh vực phụ trách xem xét:

- Quyết định phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với cán bộ diện Ban Bí thư quản lý giữ các chức danh, chức vụ có cơ cấu kiêm nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghị sĩ hữu nghị của Việt Nam với các nước, các ban chỉ đạo theo quy định.

- Bổ nhiệm lại và thực hiện chế độ nghỉ hưu đối với cán bộ diện Ban Bí thư quản lý theo quy định.

5. Trách nhiệm của đồng chí Thường trực Ban Bí thư:

- Chủ trì cùng Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét kết quả bầu cử và quyết định chuẩn y ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư; ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra và các chức danh bầu bổ sung của các tỉnh uỷ, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương.

- Chỉ định bổ sung cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy trực thuộc Trung ương, ủy viên đảng đoàn, ban cán sự đảng trực thuộc Trung ương theo quy định của Điều lệ Đảng.

- Cho ý kiến về nhân sự thư ký của các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Chia sẻ Facebook