Ai đang thống trị hệ thống phân phối xăng, dầu của Mỹ?
Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa yêu cầu các chủ cây xăng phải giảm giá bán nhưng cách thức vận hành của nền kinh tế tư nhân Mỹ có lẽ không phải lĩnh vực mà Nhà Trắng có thể can thiệp.
Cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden viết trên Twitter rằng ông đã yêu cầu các chủ cây xăng phải giảm giá. "Thông điệp của tôi đối với những người điều hành trạm xăng và những người quyết định giá bán xăng rất đơn giản: Đây là thời kỳ chiến sự và nguy hiểm trên toàn cầu. Hãy hạ giá bán cho người sử dụng, hãy làm điều đó ngay bây giờ", tài khoản chính thức của ông Biden viết.
Theo WSJ, nếu thông điệp này được đưa ra bởi người tiền nhiệm Donald Trump, chắc chắn sẽ có một làn sóng chỉ trích trên truyền thông. Và dù ai đưa ra, yêu cầu này có lẽ cũng sẽ khó có khả năng trở thành hiện thực.
Ở thời điểm hiện tại, các nhà máy lọc dầu sở hữu chưa tới 5% tổng số cây xăng ở Mỹ. Hơn 60% số cây xăng được điều hành bởi một cá nhân hoặc một gia đình nào đó. Phần còn lại nằm trong tay các cá nhân khác.
Thực tế, các nhà máy lọc dầu đã rời khỏi lĩnh vực kinh doanh bán lẻ xăng dầu từ những năm 2000 vì tỷ suất lợi nhuận thấp. Cơ quan quản lý cho biết hoạt động phân phối và tiếp thị chiếm tới 5% chi phí giá xăng trong tháng 5 vừa qua, tương đương 22 xu/gallon. Khoản này bao gồm phí vận chuyển, nhân công, các dịch vụ đi kèm, chi phí cho bất động sản và phí thanh toán thẻ tín dụng.
Chính bởi thế, hầu hết các cây xăng chỉ có thể kiếm được vài xu mỗi gallon. Họ kiếm lời chủ yếu từ cách bán thực phẩm và thuốc lá tại các cửa hàng nằm chung ở các trạm xăng. Tuy nhiên, Hiệp hội các cửa hàng tiện lợi quốc gia cho biết thành viên của họ đang gặp khó khăn trong bối cảnh giá xăng tăng cao nên khách hàng dừng lại ít hơn và mua sắm cũng ít hơn.
Hơn ¼ số cây xăng ở Mỹ đã đóng cửa kể từ những năm 1990 vì chúng không thể sinh lời. Nếu các nhà bán lẻ bán nhiên liệu với giá gốc, họ sẽ chẳng thể hoạt động nổi. Trong khi đó, các đơn vị bán lẻ thuộc sở hữu của các nhà máy lọc dầu có thể vẫn tồn tại nhưng họ sẽ phải đối mặt với các cuộc điều tra chống độc quyền.
Tuy nhiên, yêu cầu các cây xăng giảm giá không phải điều duy nhất mà Chính quyền của Tổng thống Joe Biden thực hiện. Những tháng gần đây, ông chủ Nhà Trắng liên tiếp các buộc các công ty dầu khí trục lợi từ giá dầu tăng cao và yêu cầu họ ngay lập tức gia tăng sản lượng.
Dẫu vậy, chính quyền của ông Biden lại rất ủng hộ năng lượng xanh, thậm chí còn đe dọa ngành công nghiệp năng lượng truyền thống. Thực tế, mọi doanh nghiệp đều đưa ra định hướng dài hạn dựa trên kỳ vọng của nhu cầu cũng như tín hiệu chính sách. Họ sẽ không thể đẩy mạnh đầu tư khi mà chính quyền đương nhiệm muốn hạn chế nhiên liệu hóa thạch.
Ngay cả khi các điều kiện trở nên thuận lợi cho phép các nhà khai thác thu lời từ việc tăng sản lượng, chẳng ai muốn đầu tư khi Chính quyền ông Biden liên tiếp thể hiện sự ủng hộ với năng lượng sạch. Đó là lý do chính khiến Mỹ phải tìm tới các đối tác khác, bao gồm cả những quốc gia có mối quan hệ không suôn sẻ nhằm bù đắp lại những thiếu hụt nguồn cung do các biện pháp cấm vận nhằm vào Nga.
Tham khảo: WSJ