Afghanistan cần được hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp
Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) cho biết, người dân Afghanistan cần được cộng đồng quốc tế hỗ trợ nhân đạo ngay lập tức bởi tình hình tại đây đang rất nghiêm trọng.
Liên Hợp Quốc cho biết, Afghanistan đang phải đối mặt với nghèo đói sâu sắc, với 98% dân số thiếu lương thực đầy đủ.
Kể từ tháng 8/2021, sau cuộc rút lui của quân đội Mỹ khỏi Afghanistan, người dân nước này càng chìm sâu vào khủng hoảng. Sau khi rút quân, Mỹ đã đóng băng gần 9,5 tỷ USD tài sản ngoại hối quốc gia mà Ngân hàng Trung ương Afghanistan đang gửi tại Mỹ, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo vốn đã nghiêm trọng ở nước này.
Ngày càng nhiều người phải bán đồ đạc, thậm chí bán thận để trang trải bữa ăn. Hệ thống kinh tế đang trên bờ vực sụp đổ. Phần lớn các ngân hàng không hoạt động. ICRC tin rằng, tình hình cực đoan hiện nay ở Afghanistan là do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm cả chiến tranh và biến đổi khí hậu, khi hạn hán và lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn, gây áp lực lên sản xuất lương thực trong nước.
Trước đó, phát biểu vào ngày 11/1, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách nhân đạo Martin Griffiths nhấn mạnh, Afghanistan đang đối mặt với thảm họa nhân đạo và cộng đồng quốc tế cần cứu trợ khẩn cấp cho người dân quốc gia Tây Nam Á này để ngăn chặn nạn đói, bệnh tật, tình trạng suy dinh dưỡng và tử vong.
Phó Tổng Thư ký Griffiths cho biết, gói cứu trợ sẽ cho phép các cơ quan nhân đạo của Liên Hợp Quốc đảm bảo phân phát thực phẩm và hỗ trợ phát triển nông nghiệp, dịch vụ y tế, cung cấp chỗ ở an toàn, tiếp cận hệ thống nước sạch và vệ sinh, giáo dục. Ông nhấn mạnh, nếu không được cộng đồng quốc tế cứu trợ nhân đạo, người dân Afghanistan sẽ phải đối mặt với bệnh tật, nạn đói, phải rời bỏ quê hương.
Dự kiến trong 5 tỷ USD cứu trợ nói trên, Liên Hợp Quốc chi tới 4,4 tỷ USD để cứu trợ khẩn cấp trong năm nay cho 22 triệu người dân sống tại Afghanistan và 623 triệu USD hỗ trợ 5,7 triệu người Afghanistan tị nạn ở 5 nước láng giềng.
Tiền sẽ phân bổ cho 160 tổ chức phi chính phủ và các cơ quan Liên Hợp Quốc đang phân phát cứu trợ. Một phần sẽ được sử dụng để chi trả lương cho các nhân viên tuyến đầu như các nhân viên y tế, nhưng không thông qua chính quyền Taliban.
Ước tính 4,7 triệu người sẽ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng trong năm 2022, trong đó có 1,1 triệu trẻ em. Khoảng 8 triệu trẻ em có thể mất cơ hội được học tập do phần lớn giáo viên không được trả lương kể từ tháng 8/2021.