ADB sẽ dành 14 tỷ USD để đảm bảo an ninh lương thực
“Đây là một phản ứng kịp thời và cấp thiết trước một cuộc khủng hoảng đang khiến nhiều gia đình châu Á đói hơn và nghèo hơn”, Chủ tịch ADB nhận định.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa công bố kế hoạch chi ít nhất 14 tỷ USD để thực hiện một chương trình hỗ trợ toàn diện nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực ngày càng trầm trọng ở Châu Á - Thái Bình Dương , đồng thời đảm bảo an ninh lương thực ở khu vực này trong dài hạn.
Sự hỗ trợ của ADB là hết sức thiết thực, khi gần 1,1 tỷ người trong khu vực này thiếu chế độ ăn lành mạnh do nghèo đói và do giá lương thực tăng cao kỷ lục trong năm nay.
Tuyên bố được đưa ra bởi ông Masatsugu Asakawa, Chủ tịch ngân hàng ADB trong buổi họp báo trực tuyến bên lề Hội nghị Thường niên lần thứ 55 của ADB tại Philippines chiều 27/9.
Trong khuôn khổ chương trình này, ADB sẽ tài trợ cho các dự án đang được thực hiện và những dự án mới liên quan đến đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sản xuất và phân phối lương thực, bảo trợ xã hội, thủy lợi và quản lý tài nguyên nước, cũng như các dự thúc đẩy các giải pháp thiên nhiên.
Ngoài ra, ngân hàng này sẽ tiếp tục đầu tư vào các hoạt động khác như chuyển đổi năng lượng, giao thông, tiếp cận tài chính khu vực nông thôn, quản lý môi trường, y tế và giáo dục.
“Chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ, trước khi các tác động của biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn và làm xói mòn hơn nữa những thành tựu phát triển khó giành được của khu vực”, ông Asakawa phát biểu tại Hội nghị thường niên lần thứ 55 của ADB.
Theo ông Asakawa, ADB đang hết sức nỗ lực để “giúp đỡ những người dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ , đồng thời củng cố hệ thống lương thực để giảm tác động của các nguy cơ an ninh lương thực trong cả hiện tại và tương lai”.
Chương trình hỗ trợ của ADB sẽ được thực hiện từ nay đến năm 2025. ADB sẽ áp dụng các bài học kinh nghiệm từ việc hỗ trợ các thành viên trong cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu 2007-2008 và từ việc thực hiện kế hoạch an ninh lương thực của ngân hàng này vào năm 2023.
Kể từ năm 2008, ADB đều đặn đầu tư 2 tỷ USD vào các chương trình an ninh lương thực mỗi năm. Năm 2018, ngân hàng này xác định an ninh lương thực là một ưu tiên hoạt động chính của mình.
Ngoài an ninh lương thực, biến đổi khí hậu cũng là một trong 2 lĩnh vực quan trọng mà ADB sẽ tập trung hỗ trợ cho các nước thành viên trong thời gian tới, ông Asakawa cho biết tại cuộc họp báo.
“Một phần quan trọng trong cách tiếp cận dài hạn của chúng tôi là bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và hỗ trợ nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp sản xuất và phân phối nhiều thực phẩm của khu vực, đồng thời thúc đẩy thương mại mở để đảm bảo nó đến tay người tiêu dùng một cách hiệu quả”, ông Asakawa cho hay.
Chủ tịch ADB nhận định, châu Á vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến kinh tế xã hội, đại dịch kéo dài tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của cuộc sống. “Năm 2020, khu vực Châu Á đang phát triển và Thái Bình Dương chứng kiến sự thu hẹp tăng trưởng kinh tế đầu tiên trong gần 6 thập kỷ”, ông Asakawa phát biểu.
Ông nhận định, các nền kinh tế đang phục hồi, nhưng triển vọng bắt đầu xấu đi do những thách thức ngày càng tăng như như tác động của cuộc xung đột Nga – Ukraine, các động thái thắt chặt tiền tệ mạnh hơn dự kiến ở các nền kinh tế tiên tiến, và tỉ giá hối đoái giảm mạnh, kéo theo những bất ổn về tài chính.
"Đây cũng chính là lý do ADB điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng khu vực này từ 5,2% (theo báo cáo Triển vọng phát triển châu Á công bố tháng 4/2022) xuống còn 4,3% cho năm 2022 và từ 5,3% xuống còn 4,9% cho năm 2023", Chủ tịch ADB nêu rõ .
Nguyễn Tuyết