ACV ước lãi hơn 7.5 ngàn tỷ đồng trong năm 2022
Tại Hội nghị Tổng kết công tác Đảng, hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra ngày 25/12, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) tiết lộ ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt hơn 7.5 ngàn tỷ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ.
ACV ước lãi hơn 7.5 ngàn tỷ đồng trong năm 2022
Nhìn lại năm 2022 của ACV, ông Vũ Thế Phiệt, Tổng Giám đốc ACV, cho biết bức tranh sản xuất ngành hàng không diễn biến nhanh và phức tạp, với sự xuất hiện của nhiều yếu tố tác động mới.
Thị trường quốc tế đang từng bước phục hồi về tần suất, mạng đường bay, sản lượng vận chuyển; riêng thị trường nội địa bắt đầu tăng trưởng mạnh từ cuối quý 1/2022, và giai đoạn cao điểm hè đã phục hồi tăng trưởng vượt hơn 30% so với thời kỳ trước dịch năm 2019. Từ đó, hoạt động SXKD nói chung của các doanh nghiệp hàng không, trong đó có ACV, cũng đang dần phục hồi tăng trưởng.
Vượt kế hoạch năm 2022
Theo chia sẻ của ACV, tổng hành khách thông qua các cảng hàng không là 99 triệu khách trong năm 2022, đạt 122% kế hoạch năm và tăng 228% so với năm 2021. Trong đó, khách quốc tế là 12 triệu khách, đạt 193% kế hoạch năm và cao gấp gần 23 lần năm 2021; khách nội địa là 87 triệu khách, đạt 116% kế hoạch năm và tăng 194% so với 2021. Tổng hạ cất cánh 658 ngàn lượt chuyến, đạt 114% kế hoạch năm và tăng 125% so với năm 2021.
Năm 2022, doanh nghiệp cảng hàng không này ước tổng doanh thu 15,381 tỷ đồng, đạt 149% kế hoạch năm và gấp 2 lần so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế ước 7,561 tỷ đồng, đạt 295% kế hoạch năm và gần 10 lần so với năm 2021.
Kế hoạch lợi nhuận trước thuế 8,448 tỷ đồng trong năm 2023
Năm 2023, ACV đặt mục tiêu tổng sản lượng phục vụ hành khách đạt 116 triệu khách, tăng 18% so với 2022. Trong khi đó, tổng sản lượng phục vụ hàng hóa kỳ vọng ở mức 1,634 ngàn tấn, tăng 18% so với năm 2022. Tổng sản lượng hạ cất cánh kỳ vọng ở mức 768 ngàn lượt chuyến, tăng 17% so với năm 2022.
ACV đặt mục tiêu tổng doanh thu ở mức 18,414 tỷ đồng, tăng 20% so với 2022; lợi nhuận trước thuế kỳ vọng ở mức 8,448 tỷ đồng, tăng 11% so với 2022.
Tiếp tục triển khai nhiều dự án trọng điểm quan trọng
Theo ACV, trong năm 2022, các dự án đầu tư trọng điểm đã được thực hiện theo tiến độ và phù hợp với kế hoạch trung hạn.
Với dự án CHKQT Long Thành giai đoạn 1- dự án trọng điểm quốc gia, công tác san nền, thoát nước khởi công vào tháng 2/2022, công tác thi công luôn bám sát tiến độ đề ra. Các đơn vị thi công đang tập trung triển khai các khu vực đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay và các khu vực bố trí các dự án thành phần 1, 2, 4 theo đúng kế hoạch. Móng cọc nhà ga hành khách đã hoàn thành vượt tiến độ hơn 1 tháng so với hợp đồng. Phần thân nhà ga, hiện ACV đang tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định.
Đối với dự án Xây dựng Nhà ga Hàng không T3, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Tổng Công ty đã triển khai các bước chuẩn bị của Dự án. Chiều ngày 24/12, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Ủy ban, các Bộ, ngành cơ quan Trung ương và TP.HCM đã thực hiện nghi lễ, chính thức khởi công dự án.
Bên cạnh đó, một số dự án khác như: Dự án Xây dựng nhà ga hành khách T2, Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài, Dự án Mở rộng sân đỗ máy bay về phía Bắc Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng giai đoạn 2, Dự án Mở rộng sân đỗ máy bay giai đoạn 1 Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, Dự án Cảng Hàng không Điện Biên (Nhà ga, đường cất hạ cánh, hệ thống đường lăn, sân đỗ, công trình phụ trợ); Dự án Cải tạo, nâng cấp sân đỗ máy bay hiện hữu Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh… cũng đã được hoàn thành hoặc đảm bảo tiến độ xây dựng.
Năm 2023 sẽ không có “điểm mờ”
“ Năm 2022 là năm có nhiều biến động khó lường với nhiều thách thức và tác động tiêu cực đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng động doanh nghiệp, trong đó có ACV. Trong bối cảnh đó, ACV phải thực hiện ‘mục tiêu kép’, vừa phải tập trung SXKD vừa phải triển khai các kế hoạch, dự án đầu tư phát triển. Đặc biệt là các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải như Dự án thành phần 3 - Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Dự án Nhà ga T3 Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất… ACV đã vượt qua được ”, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh phát biểu tại hội nghị.
Tuy nhiên, người đứng đầu Ủy ban cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân mà ACV gặp phải trong năm 2022 như: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển vẫn thấp so với kế hoạch.
Nguyên nhân chủ yếu do tiến độ khởi công Dự án Nhà ga T3 Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất chậm so với kế hoạch (05 tháng do vướng mắc mặt bằng thi công) và Nhà ga hành khách - Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (do phát sinh tình huống phải xử lý trong quá trình thực hiện kế hoạch đấu thầu).
“ Những hạn chế này đặt ra cho ACV nhiệm vụ trọng yếu phải thực hiện thành công trong năm 2023, đó là phải hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư phát triển, đảm bảo tiến độ dự án đầu tư ” - Chủ tịch Ủy ban đưa ra yêu cầu đối với ACV.
Dự báo tình hình kinh tế thế giới năm 2023 vẫn còn khó khăn, thách thức; có thể phát triển chậm lại, nhiều quốc gia trên thế giới chịu nhiều biến động, lạm phát tăng cao, tăng trưởng thấp, nguy cơ suy thoái kinh tế. Sự hồi phục của thị trường vận tải hàng không quốc tế còn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro như: Trung Quốc vẫn chưa nới lỏng chính sách phòng chống dịch COVID, giá nhiên liệu tăng cao liên tục, xung đột Nga-Ukraine... sẽ ảnh hưởng đến các đường bay Trung Quốc, Nga, châu Âu…
" Để bức tranh về thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch SXKD và kế hoạch đầu tư, triển khai xây dựng các dự án trong năm 2023 sẽ không có “điểm mờ”, ACV đã đề ra 7 nhóm giải pháp trọng tâm và chúng tôi sẽ quyết tâm thực hiện bằng được " - Chủ tịch HĐQT ACV Lại Xuân Thanh tự tin khẳng định.
Vũ Hạo