ACBS: Quá khó để đoán đáy thị trường lúc này, nhưng mức định giá thấp trong lịch sử sẽ đem lại lợi suất hấp dẫn cho nhà đầu tư dài hạn

Chia sẻ Facebook
15/11/2022 11:34:53

Trong ngắn hạn, nhóm phân tích kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục biến động do thiếu chất xúc tác rõ ràng để kéo tâm lý nhà đầu tư thoát khỏi trạng thái chán nản hiện tại.

Một số thị trường trên thế giới đã phục hồi trong tháng 10 với hy vọng rằng lạm phát đã đạt đến đỉnh điểm và các ngân hàng trung ương sẽ giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ trong những tháng tới.

Tuy nhiên, sự lạc quan toàn cầu đã không thể thâm nhập vào thị trường Việt Nam khi VN-Index nằm trong số các thị trường giảm sâu nhất thế giới trong tháng 10. Nguyên nhân đến từ một số yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý thị trường liên quan đến việc tăng lãi suất và các hành động xử lý vi phạm doanh nghiệp lớn.

Đà giảm của thị trường kéo theo P/E trung bình của các thị trường ASEAN giảm xuống 13,8 lần từ 14,3 lần của tháng trước, trong khi VN-Index giảm sâu hơn từ 12,2 xuống dưới 10 lần.

Nguồn: Algoplatform


Rủi ro ngắn hạn vẫn hiện hữu

Báo cáo chiến lược mới đây của ACBS cho rằng định giá thị trường hiện đã về mức thấp hơn so với các thị trường ngang hàng.

Cụ thể, ROE hiện tại của VN-Index là khoảng 15,4%, trong số các thị trường có tỷ suất sinh lợi cao nhất. Với mức tăng EPS dự kiến 21,7% cho năm 2022, CAGR EPS 3 năm từ 2020-2022 của Việt Nam khoảng 18,3%, cao hơn mức trung bình của ASEAN và mức trung bình của các thị trường khác.

Điều này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của các doanh nghiệp Việt Nam sau cơn bão đại dịch. Cùng với P/E kỳ vọng ở mức 9,8 lần, ACBS đánh giá chỉ số VN-Index vẫn duy trì được sức hút lớn hơn đối với nhà đầu tư dài hạn so với các thị trường ngang hàng.

Trong ngắn hạn, nhóm phân tích kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục biến động do thiếu chất xúc tác rõ ràng để kéo tâm lý nhà đầu tư thoát khỏi trạng thái chán nản hiện tại.

Trong khi thị trường chứng khoán giảm sâu, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục ghi nhận những con số đáng khích lệ. KQKD quý 3/2022 khá khả quan với doanh thu 9 tháng đầu năm 2022 toàn thị trường tăng 20,1% và lợi nhuận tăng 15,9%, tuy nhiên thị trường đã giảm 9,2% trong tháng 10.

Mặc dù dự đoán đáy của thị trường quá khó trong thời điểm này, nhưng ACBS cho rằng mức định giá thấp so với lịch sử có thể đem lại lợi suất hấp dẫn cho nhà đầu tư dài hạn.

Đội ngũ phân tích kỳ vọng rằng các ngành bán lẻ, thực phẩm và đồ uống và vận tải có thể được hưởng lợi nhờ tăng trưởng của doanh số bán lẻ trong nước khi mùa lễ hội cuối năm sắp đến.


Nhiều yếu tố tích cực cho dài hạn

Về triển vọng dài hạn, ACBS tin rằng thị trường niêm yết của Việt Nam có vị thế tốt để tiếp tục phát triển song song với nền kinh tế nói chung. Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cao đến từ nền tảng kinh tế vĩ mô với triển vọng lạc quan trong dài hạn và sức khỏe tài chính của các công ty niêm yết. Mặt khác, làn sóng xử lý vi phạm trên thị trường dù có đem lại một số khó khăn trong ngắn hạn, song sẽ có lợi cho sự phát triển bền vững lâu dài của thị trường.

Đồng thời, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và tăng trưởng thu nhập khả dụng sẽ hỗ trợ tiêu dùng trong nước tiếp tục tăng trưởng, xu hướng chuyển dịch sản xuất trong dài hạn sang Việt Nam và sự hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước với nền kinh tế toàn cầu với 15 hiệp định thương mại song phương và đa phương tạo tiền đề cho Việt Nam sẽ tiếp tục thịnh vượng trong nhiều năm tới.

Theo đó, Việt Nam cam kết phát triển thị trường vốn và việc MSCI nâng hạng Việt Nam thành thị trường mới nổi chỉ là vấn đề thời gian, điều này sẽ mở ra cánh cửa cho một lượng lớn vốn nước ngoài đổ vào thị trường.

Ngoài các vấn đề toàn cầu như lạm phát và lãi suất tăng cao, cũng cần lưu ý đến áp lực tăng tỷ giá USD/VND ngày càng lớn trong bối cảnh chỉ số DXY tăng mạnh (tăng 16,6%) cùng lúc đồng tiền của nhiều quốc gia cạnh tranh xuất khẩu bị mất giá đáng kể (đặc biệt là đồng CNY giảm 14,9% tính đến cuối tháng 10), điều này có thể bắt đầu ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh về giá của hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Việc NHNN tăng lãi suất điều hành gần đây có vẻ như là một hành động hỗ trợ tiền tệ hơn là kéo giảm nhu cầu vốn để ngăn chặn lạm phát, tuy nhiên VND đã tiếp tục mất giá bất chấp các biện pháp hỗ trợ khác nhau. Kết quả của việc tăng lãi suất là những lo ngại về tác động đối với doanh nghiệp và tiêu dùng do lãi suất vay cao hơn.

Chia sẻ Facebook