ACBS: Ngân hàng Nhà nước đã bán khoảng 22 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối
Theo nhóm phân tích, dự trữ ngoại hối hiện tại ở mức ước tính 87 tỷ USD và tỷ lệ nhập khẩu khoảng 12 tuần, vẫn duy trì trong ngưỡng an toàn.
CTCP Chứng khoán ACB (ACBS) vừa có báo cáo “Triển vọng thị trường Việt Nam tháng 11/2022”.
Theo ACBS, tỷ giá USD/VND đã tăng mạnh trong tháng 10 với tỷ giá trung tâm đóng cửa tháng ở mức 23.695 (tăng 1,3%) và tỷ giá trung bình của các ngân hàng lên 24.838 (tăng 4,09%) do áp lực ngày càng tăng từ các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Tỷ giá trên thị trường tự do có thời điểm tăng lên mức kỷ lục ở mức 25.325 đồng.
Ngày 17/10, NHNN đã mở rộng biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND vốn ổn định ở biên độ 3% từ tháng 11/2008 lên 5%. Bên cạnh đó, NHNN đã hai lần tăng giá bán USD/VND trong tháng 10 với tổng mức tăng 945 đồng từ 23.925 đồng lên 24.870 đồng vào các ngày 17/10 và 24/10.
ACBS ước tính, NHNN đã bán ra khoảng 22 tỷ USD vào năm 2022 từ dự trữ ngoại hối, tương đương 21% tổng dự trữ vào năm 2021, đưa dự trữ hiện tại ở mức ước tính 87 tỷ USD và đã giảm tỷ lệ nhập khẩu xuống còn khoảng 12 tuần, vẫn duy trì trong ngưỡng an toàn.
Về lãi suất, lãi suất liên ngân hàng biến động mạnh trên tất cả các kỳ hạn trong suốt tháng 10 vừa qua do thanh khoản không ổn định. Ngân hàng Nhà nước đã liên tục bơm tiền đồng lên hệ thống bằng công cụ reverse repos và tín phiếu đáo hạn để hạ nhiệt việc tăng lãi suất. Từ ngày 18/10, NHNN hạn chế bơm VND và phát hành Tín phiếu kỳ hạn 7 ngày để hút VND ra khỏi hệ thống kết hợp với việc tăng lãi suất cơ bản thêm 100 điểm vào ngày 25/10 trước áp lực từ tỷ giá USD/VND. Tổng cộng NHNN đã bơm ròng hơn 37 tỷ đồng trong tháng 10 qua kênh tín phiếu, reverse repos và bán USD.
Nhóm phân tích cho rằng, việc duy trì lãi suất thấp sẽ khó khăn đối với NHNN do triển vọng FED tiếp tục tăng lãi suất sẽ gây áp lực mất giá lên tỷ giá USD/VND. Ngoài ra, hạn mức tăng trưởng tín dụng mới được cấp vào đầu năm 2023 cùng với nhu cầu tiền mặt tăng cao trong các kỳ nghỉ lễ lớn có thể làm căng thẳng thanh khoản và gây áp lực tăng lãi suất vào đầu năm 2023.