Ả Rập Xê-út mở “mặt trận” mới giữa Mỹ và Trung Quốc ở Trung Đông?

Chia sẻ Facebook
01/09/2023 16:09:04

Trong khi Mỹ vẫn đang lưỡng lự, Ả Rập Xê-út đã cân nhắc đề xuất của Trung Quốc về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của quốc gia Trung Đông giàu dầu mỏ.


Năng lượng hạt nhân dân sự đang trở thành một đề tài “nóng” ở khu vực Trung Đông giàu dầu mỏ. Khó chịu trước sự thiếu quyết đoán của Mỹ, các nhà lãnh đạo Ả Rập Xê-út đang ra tín hiệu rằng họ có thể chuyển hướng từ Tây sang Đông.


Kế hoạch đa dạng hóa nguồn năng lượng bằng cách phát triển điện hạt nhân của Ả Rập Xê-út đã mở ra một “mặt trận” mới trong cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc, khi hai siêu cường này ngày càng thách thức nhau về ảnh hưởng kinh tế, ngoại giao và quân sự ở Trung Đông.


Kế hoạch B


Động thái trên phù hợp với kế hoạch Tầm nhìn 2030 do Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman (MBS) thúc đẩy, nhằm giúp chuyển đổi nền kinh tế Ả Rập Xê-út và giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ.


Kế hoạch này sẽ đưa ra những cải cách kinh tế-xã hội lớn ở quốc gia Trung Đông, nhưng nó cũng có nguy cơ khiến Mỹ khó chịu vì Washington e ngại một chương trình năng lượng hạt nhân có thể mở đường cho Riyadh phát triển vũ khí hạt nhân.


Theo tờ nhật báo kinh doanh Phố Wall của Mỹ, Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC) thuộc sở hữu nhà nước đã đề xuất xây dựng một nhà máy ở phía Đông Ả Rập Xê-út, không xa biên giới với Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).


Các quan chức Ả Rập Xê-út nói với tờ Wall Street Journal rằng các cuộc đàm phán giữa Riyadh và Bắc Kinh có thể thúc đẩy Nhà Trắng thỏa hiệp về các nguyên tắc không phổ biến vũ khí hạt nhân mà cho đến nay vẫn cản trở một thỏa thuận với Mỹ. Tuy nhiên, Thái tử MBS cũng sẵn sàng thúc đẩy “kế hoạch B” với Trung Quốc nếu các cuộc đàm phán với Mỹ thất bại.


Về phía Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 25/8: “Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến hành hợp tác cùng có lợi với Ả Rập Xê-út trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả năng lượng hạt nhân dân sự, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế”.


Trước đây, Ả Rập Xê-út đã kêu gọi Mỹ hợp tác chung về năng lượng hạt nhân dân sự để đổi lấy việc bình thường hóa quan hệ với Israel trong khuôn khổ Hiệp định Abraham. Hiện nay, hai nước Trung Đông chưa có quan hệ ngoại giao chính thức.


Tuy nhiên, những lo ngại của Mỹ và Israel cũng như khả năng Riyadh có thể chế tạo vũ khí hạt nhân đã cản trở tham vọng của vương quốc hàng đầu trong thế giới Ả Rập. Israel là cường quốc hạt nhân duy nhất trong khu vực Trung Đông và có ý định giữ nguyên như vậy.

Siêu đô thị tương lai ở Ả Rập Xê-út là một phần trong kế hoạch của Thái tử Mohammed bin Salman (MBS) nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của vương quốc này vào Petrodollar (doanh thu từ dầu mỏ). Ảnh: Getty Images


Trong khi đó, trong vài năm qua, Trung Quốc đã tích cực tăng cường quan hệ với các nước vùng Vịnh, bắt đầu từ Ả Rập Xê-út, đặc biệt là sau khi Bắc Kinh đứng gia làm môi giới cho thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Riyadh và đối thủ lịch sử là Tehran.


Trung Quốc cũng là khách hàng mua dầu thô lớn nhất của Ả Rập Xê-út, trong khi Ả Rập Xê-út vẫn là quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới.


Mặc dù Riyadh là khách hàng mua vũ khí quan trọng nhất của Washington, và Mỹ và Ả Rập Xê-út đã duy trì mối quan hệ thân thiết từ lâu, nhưng Ả Rập Xê-út gần đây đã nhận được lời mời tham gia nhóm BRICS – một tổ chức không chính thức bao gồm Brazil, Nga , Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi vốn được đánh giá là một “cực mới” trong thế giới đa cực và đặt ra thách thức không nhỏ đối với vị thế hàng đầu của Mỹ.


“Cuộc hôn nhân 100 năm”


Người Ả Rập Xê-út đang thúc đẩy người Mỹ phải có “các đảm bảo” nếu họ quyết định thiết lập quan hệ chính thức với người Israel. Tuy nhiên, Mỹ dường như chưa sẵn sàng nhượng bộ về năng lượng hạt nhân, từ đó mở rộng cánh cửa cho Trung Quốc trở thành đối tác quan trọng của Ả Rập Xê-út.


Và Trung Quốc không phải là đối tác duy nhất mà Riyadh nhắm tới. Trên thực tế, Ả Rập Xê-út cũng đang tìm kiếm Nga và Pháp để phát triển công nghệ hạt nhân nhằm gây áp lực khiến Mỹ “đổi ý”.


Quyết định cuối cùng phải dựa trên kinh tế học và công nghệ. Mà trong những lĩnh vực này Mỹ vẫn có lợi thế lớn, do đó, sẽ được các nhà lãnh đạo Ả Rập Xê-út hoan nghênh hơn.


Trong tương lai, điện hạt nhân dự kiến sẽ chiếm được vị thế như một nguồn năng lượng chính ở khu vực Trung Đông giàu dầu mỏ cũng như phần còn lại của thế giới.

Cờ Trung Quốc tung bay ở Diriyah, ngoại ô phía Tây thủ đô Riyadh, Ả Rập Xê-út. Ảnh: Bloomberg


Việc một quốc gia xây dựng lò phản ứng hạt nhân cho một quốc gia khác vốn mang tính địa chính trị vì nó buộc hai bên phải ký những hợp đồng dài hạn, tốn kém.


Ông Sun Qin, cựu chủ tịch tập đoàn hạt nhân Trung Quốc CNNC, từng ví những thỏa thuận như vậy giống như “cuộc hôn nhân 100 năm”, xét theo thời gian từ các cuộc đàm phán ban đầu đến ký kết thỏa thuận và sau đó là quá trình xây dựng, bảo trì và ngừng hoạt động của một nhà máy điện hạt nhân.


Trong số 31 lò phản ứng bắt đầu xây dựng trên toàn thế giới kể từ đầu năm 2017, 17 lò do Nga thiết kế và 10 lò do Trung Quốc thiết kế, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).


Các công ty hạt nhân của Trung Quốc hầu hết đã bản địa hóa thiết kế và các bộ phận của nhà máy hạt nhân, khiến nước này ít bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt mà Mỹ có thể áp đặt.


Các nhà phân tích và chuyên gia phương Tây đang thúc giục Washington không từ bỏ cuộc chạy đua, và không ràng buộc sự hợp tác này với việc bình thường hóa quan hệ với Israel, bởi năng lượng hạt nhân là một thành phần chiến lược trong kế hoạch Tầm nhìn 2030 của Thái tử MBS, nếu không, điều đó có thể mang lại cho Bắc Kinh (hoặc Moscow) quyền tự do kiểm soát một “mặt trận” mới ở Trung Đông.


Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan mới đây đã lên tiếng về vấn đề này, cho biết chính quyền Biden sẽ hỏi ý kiến Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về vấn đề hợp tác hạt nhân với Ả Rập Xê-út. Phản ứng của IAEA có thể có tầm quan trọng hàng đầu đối với các quyết định trong tương lai .


Minh Đức (Theo AsiaNewsIt, WSJ)

Chia sẻ Facebook