Á hậu Việt Nam 1990 và mối tình dang dở với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Nguyên nhân khiến mối tình sâu đậm nhưng dang dở của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Á hậu Trần Vân Anh đến nay vẫn là một ẩn số.
Người đẹp nổi tiếng ở thập niên 1990
Đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Toàn quốc Báo Tiền phong 1990 (tên cũ của Hoa hậu Việt Nam) diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô đã chứng kiến màn đăng quang của top 3 là Hoa hậu Nguyễn Thị Diệu Hoa, Á hậu 1 Trần Vân Anh và Á hậu 2 Trần Thu Hằng.
Trần Vân Anh thời thi Hoa hậu Việt Nam.
Dù ban đầu, Trần Vân Anh là thí sinh được đánh giá cao hơn về nhan sắc và chiều cao khi cô sở hữu hình thể 1m70 cùng số đo ba vòng đạt chuẩn lần lượt là 90- 60- 90, nhưng nhờ màn trả lời ứng xử thông minh mà Diệu Hoa đã bước lên ngôi vị cao nhất năm ấy.
Á hậu Trần Vân Anh sinh năm 1970. Trước đó, cô từng làm công việc tiếp viên hàng không. Sau khi được nhiều người biết đến từ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 1990, mỹ nhân đến từ Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một người mẫu sáng giá của làng giải trí. Nhưng chỉ một thời gian ngắn cô đã biến mất và không còn tham gia bất cứ hoạt động nào trong showbiz.
Nhan sắc thanh xuân của Trần Vân Anh.
Ngoài danh hiệu Á hậu 1 cuộc thi năm đó, Trần Vân Anh còn được biết đến như một gương mặt người mẫu sáng giá thuộc top đầu thời bấy giờ. Theo lời các thành viên trong Ban tổ chức cuộc thi kể lại, ngay từ cái nhìn đầu tiên nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn đã "mê mẩn" trước vẻ đẹp lai Tây của Vân Anh kèm theo lời trầm trồ: "Đẹp quá!".
Sự “mất tích” bí ẩn và thông tin hiếm hoi ở thời điểm hiện tại
Về mối tình với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hai người bén duyên nhau dù nàng Á hậu kém người nghệ sĩ tài hoa tới 31 tuổi. Tình cảm của họ sâu đậm đến mức cả hai từng tính tới chuyện đám cưới nhưng cuối cùng lại bất thành, nguyên nhân đến nay vẫn còn được giấu kín. Một số nguồn tin cho rằng, có thể vì Trịnh Công Sơn quá "nghệ sĩ" và cũng có những giai thoại hoài nghi đó là quyết định cá nhân từ phía Á hậu.
Trần Vân Anh và cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng có mối tình dang dở mà đến nay nguyên nhân vẫn là ẩn số.
Cố nhạc sĩ phải mất rất nhiều năm mới nguôi ngoai nỗi nhớ Trần Vân Anh. Cô đã trở thành cảm hứng để ông cho ra đời câu hát đầy day dứt: "Có đường xa và nắng chiều quạnh quẽ/Có hồn ai đang nhè nhẹ sầu đêm..." nằm trong ca khúc "Tôi ơi đừng tuyệt vọng". Về phía Á hậu Việt Nam 1990, chị chọn cách "ở ẩn" sau cuộc tình dang dở.
Việc quyết định rời xa ánh đèn showbiz, ngoại cảnh hay hữu ý, đều hàm chứa một câu chuyện. Cũng như bên ngoài “thế giới showbiz” vẫn tồn tại một thế giới song song và bao trùm, thế giới của cá nhân và nội tâm riêng tư. Đôi khi sự buông bỏ thế giới phù hoa ngoài có thể là một lựa chọn để cởi bỏ chiếc mặt nạ xã hội nặng nề và tìm về thế giới nội tâm, nơi ta được là mình nhất, bình yên nhất.
Trần Vân Anh nhận giải Đặc biệt của cuộc thi Hội Thời trang Trẻ 90.
Sự biến mất gần như hoàn toàn của chị sau cuộc thi để lại một dấu hỏi lớn với dư luận và công chúng. Hơn nữa, thông tin về Á hậu Trần Vân Anh cực kỳ ít ỏi nên dù hàng chục năm qua nhiều người vẫn mong muốn tìm được tư liệu về cô- nhan sắc Việt nổi bật những năm 1990.
Hình ảnh trở lại của Trần Vân Anh.
Sau quãng thời gian bằng bẵng biệt tăm, Trần Vân Anh đã “dũng cảm” quyết định trở lại bằng một album mang tên Bốn mùa và em, trong đó thể hiện 10 ca khúc trữ tình kinh điển về mùa của các nhạc sĩ quen thuộc như Văn Cao (Mùa xuân đầu tiên), Ngô Thụy Miên (Mùa thu cho em), Lê Hựu Hà (Vào hạ), Đức Huy (Mùa đông sắp đến trong thành phố)...
Hẳn người ta sẽ lại nghĩ, cô này chắc là người đẹp đua đòi đi hát, hay là đang tìm cách trục vớt lại dĩ vãng hoàng kim xưa? Nhưng cái đẹp mà Trần Vân Anh công diễn, không còn là cái đẹp ngoại diện ngày xưa mà là cái đẹp vọng từ nghệ thuật.
Tùng Lâm (t/h)