Á hậu Thùy Dung gặp sự cố trong đám cưới đến mức đi lại rất khó khăn
Á hậu Thùy Dung bị bỏng nặng trong đám cưới diễn ra vài ngày trước và hiện không thể đi lại bình thường. Người đẹp phải tạm dừng mọi hoạt động nghệ thuật.
Á hậu Thùy Dung bị bỏng nặng hai bàn chân do khói lạnh khi bước lên lễ đường. Khi bước xuống sân khấu, cô cảm thấy 2 bàn chân bị ê buốt, đau rát. Sự cố khiến cho gia đình Á hậu đã có lúc nghĩ đến phương án huỷ tiệc cưới để cô đi cấp cứu. Tuy nhiên, theo lời cô chia sẻ, một số bác sĩ có kinh nghiệm đã cho thuốc và sơ cứu.
“Trong lúc thực hiện nghi thức lễ cưới vào ngày 3/12 tại Tp.HCM, tôi đã gặp sự cố nghiêm trọng về sức khoẻ, bị bỏng nặng hai bàn chân do khói lạnh và hiện tại khó khăn trong việc di chuyển. Tôi cảm ơn sự tin tưởng, tín nhiệm đồng thời gửi lời xin lỗi chân thành đến các quý khách hàng, đối tác, khán giả vì buộc phải hủy các chương trình biểu diễn có lịch đến hết tháng 12 do tôi không thể di chuyển bình thường”, cô chia sẻ.
Thùy Dung cũng gửi lời xin lỗi các khách mời dự tiệc cưới do chưa thể tiếp đón và chung vui trọn vẹn.
Chia sẻ với báo chí, Á hậu Thùy Dung cho biết, vết bỏng ở chân đã tạm ổn. Tuy nhiên, cô phải tạm dừng hoạt động trong thời gian nhất định để điều trị.
Sau đám cưới, Thùy Dung tiếp tục hoạt động nghệ thuật. Ông xã cũng hoàn toàn ủng hộ quyết định của cô.
Bỏng lạnh có nguy hiểm và ai dễ mắc bỏng lạnh?
BS Nguyễn Thống, nguyên trưởng Khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh pôn chia sẻ với Infonet : “bỏng lạnh cũng nguy hiểm không khác gì bỏng hơi, bỏng nhiệt (lửa, nước sôi, điện…)”.
Bỏng lạnh là sự tê cóng nhẹ và da hoàn toàn chưa bị đông cứng. Một vài vị trí trên cơ thể thường dễ bị ảnh hưởng do bỏng lạnh gây ra gồm vùng má, chóp mũi, cằm, tai, các đầu ngón tay chân.
Dấu hiệu bỏng lạnh dễ nhận biết nhất là khi chạm vào vùng da bị bỏng lạnh sẽ cảm nhận được da có mật độ cứng và lạnh, sắc da vùng bị bỏng lạnh trở nên nhợt nhạt, chuyển màu xám, trắng hoặc trắng xanh.
Tại vị trí da bị bỏng lạnh sẽ xuất hiện cảm giác tê buốt, người bệnh có thể tạm thời mất cảm giác sâu và cảm giác nông trên một vài vị trí của cơ thể. Da bị bỏng lạnh có biểu hiện phồng rộp, chứa máu hoặc trong suốt.
Với những trường hợp nặng, lớp da bị bỏng lạnh có thể bị bong tróc hoặc lột da. Tình trạng nặng nề nhất có thể xảy ra ở người bệnh là vùng da bỏng lạnh chuyển sang màu đen. Nguyên nhân là do lớp da bị thiếu máu nuôi tại chỗ và có thể khiến da bị hoại tử.
Tất cả mọi người, ai cũng có thể bị bỏng lạnh. Trong đó, những đối tượng như người già, em bé thường dễ bị bỏng lạnh hơn do cấu trúc da của họ khá mỏng so với người trưởng thành.
Đặc biết, trẻ em có nguy cơ bỏng lạnh nhiều hơn; cơ thể bị mất nước; ccối tượng có thói quen hút thuốc lá; thường xuyên sử dụng những đồ uống có chứa cồn; bệnh nhân sử dụng thuốc có chứa thành phần gây ức chế beta (một loại thuốc thường được chỉ định cho những đối tượng mắc bệnh tim).
Ngoài ra, người mắc các bệnh như: hội chứng Raynaud, bệnh mạch máu ngoại biên, bệnh đái tháo đường, bệnh thần kinh ngoại biên,… thường dễ bị bỏng lạnh hơn.
Trúc Chi (theo Tiền Phong)