9x thu nhập tiền tỷ nhưng vẫn sống cực tiết kiệm, có tháng chỉ tiêu 2 triệu đồng: Không cần thì một đồng cũng nhất quyết không chi!

Chia sẻ Facebook
18/11/2022 09:19:09

Từng hai lần loay hoay khởi nghiệp, có những lúc phải bán cả ô tô và tất cả cổ phiếu, chàng trai sinh 26 tuổi hiện tại đã có thu nhập trên dưới 1 tỷ mỗi tháng nhưng có tháng chỉ tiêu vỏn vẹn có 2 triệu đồng.


Đặng Hoàng Sơn (sinh năm 1996, tại Hà Nội) vốn là cử nhân xuất sắc Khoa Kiến trúc và quy hoạch (Đại học Xây dựng Hà Nội). Với một niềm đam mê khởi nghiệp và một tinh thần ham học hỏi, không ngại khám phá, anh đã hai lần khởi nghiệp và tìm được con đường phát triển đúng đắn cho bản thân mình. 9x cũng có cách quản lý tài chính vô cùng đặc biệt giúp những con số trong tài khoản ngày càng tăng.

Anh Đặng Hoàng Sơn, sinh năm 1996, tại Hà Nội

Không cần thì một đồng cũng nhất quyết không chi


Bắt tay vào khởi nghiệp ngay từ khi mới ra trường, anh Sơn luôn trong tâm thế sẵn sàng cho những rủi ro. Với anh, quản lý tài chính tốt là luôn cho bản thân đủ thời gian để ứng phó với mọi thách thức.


“Dấn thân vào con đường start-up, anh ý thức rằng tình hình tài chính không cố định là điều hiển nhiên. Doanh thu hay việc lỗ, lãi đều tùy thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Nhất là trong giai đoạn đầu làm thì lỗ nhiều, nên có khi mấy tháng không có thu nhập”, anh Sơn chia sẻ.

Anh Sơn làm việc với cả team


Vậy nên anh Sơn và các đồng nghiệp luôn tự nhắc nhở nhau khi nào lãi thì phải tiết kiệm phòng khi nào công việc kinh doanh gặp khó khăn. Đứng đầu một doanh nghiệp khi còn khá trẻ, anh Sơn cũng quan niệm  quản lý tài chính cá nhân tốt thì mới có thể quản lý được việc kinh doanh của công ty.


Chàng trai 9x khẳng định bản thân vốn không phải là người quá khắt khe hay là chuyên gia trong lĩnh vực quản lý tài chính. Anh chỉ đơn giản đầu tư và chi tiêu theo cách mà bản thân cho là hiệu quả với hoàn cảnh của chính mình.


“Quản lý tài chính với tôi mà nói thì chỉ gói gọn trong một câu: Cần thì bao nhiêu cũng chi, không cần thì một đồng cũng nhất quyết không chi", anh nói. Vì chưa có gia đình nên anh Sơn dễ dàng quản lý và hạn chế nhiều khoản phát sinh. “Chi tiêu cho các khoản ăn uống và sinh hoạt của tôi sẽ rơi vào khoảng 8-10 triệu/1 tháng. Tiền xăng xe di chuyển đi lại khoảng 6-7 triệu mỗi tháng. Tiền đi tiếp đối tác, cafe khoảng 3-4 triệu đồng mỗi tháng”, anh chia sẻ


Tuy nhiên, các khoản chi tiêu đó không cố định. Anh Sơn có thói quen ăn uống ở nhà, vừa đảm bảo sức khỏe, chế độ ăn mà lại tiết kiệm, có nhiều kỷ niệm với gia đình. Những tháng anh có nhiều thời gian về nhà, tự nấu nướng, chi phí cho tiền ăn của anh giảm hơn một nửa.


Tuy nhiên, khi công việc chất đống, đơn hàng nhiều, phải liên tục ăn ở ngoài thì anh lại phải chi một khoản lớn hơn. Đồng thời, có những tháng phải tiếp đối tác và đi công tác nhiều, anh Sơn có khi phải bù thêm 4-5 triệu đồng so với dự định.


“Tôi cũng quan niệm, quản lý tài chính tốt không đồng nghĩa với khuôn mẫu, rằng tháng nào cũng phải chi đúng các khoản đã đề ra mà là biết cân bằng và chi tiêu có hiệu quả, đạt được những mục tiêu lớn nhỏ đã đề ra, thậm chí là sự đầu tư lâu dài cho tương lai”, anh nói.


Anh Sơn cũng cho biết dù làm trong ngành thời trang nhưng anh cũng luôn hướng đến sự tối giản. Ngoài những bộ vest đắt tiền mỗi khi gặp đối tác hay các sự kiện trang trọng thì hầu hết những ngày khác anh đều mặc những bộ đồ đơn giản.


“Tôi thường xuyên mặc áo đồng phục của công ty, vừa là để làm gương cho nhân viên, vừa là cách tôi thể hiện sự tự hào về những thành quả nho nhỏ mà chúng tôi đã cùng nhau làm được. Trang phục với tôi chỉ cần đáp ứng tiêu chí lịch sự, phù hợp và thoải mái. Có những chiếc áo tôi đã mặc đến 2-3 năm và chắc chắn vẫn còn dùng lâu dài hơn nữa”, CEO 9x bộc bạch.

Luôn đầu tư cho bản thân và biết chịu khổ


Ngay từ khi mới ra trường, tay trắng lập nghiệp, có khi thua lỗ, phải bán tất cả tài sản tích góp được đến khi doanh nghiệp đã có lợi nhuận, anh Sơn vẫn luôn dành một khoản lớn để đầu tư phát triển bản thân.


“Càng trưởng thành, càng dấn thân sâu vào kinh doanh, tôi càng nhận ra không có sự đầu tư nào tốt và an toàn hơn sự đầu tư cho việc học. Vật chất đều có thể mất đi nhưng những kiến thức của chúng ta là vĩnh viễn. anh nói. Việc đầu tư này không cố định, tùy vào các khóa học và các sự kiện tôi tham gia. Tôi thường dành khoảng từ 5 triệu đồng trở lên cho các hoạt động học tập và phát triển bản thân, mở rộng mối quan hệ như tham gia các khóa học hay tham gia hội thảo, event của các tổ chức”.


Ngoài ra, khi thu nhập đã ổn định hơn, anh Sơn cũng cố gắng sắp xếp thời gian để đi du lịch, nghỉ dưỡng với gia đình: “Vì công việc bận rộn nên tôi ít có thời gian chăm sóc cho bố mẹ. Đó là những người thân luôn ở cạnh tôi những lúc khó khăn nhất. Chính vì vậy, mỗi tháng tôi để cố gắng tiết kiệm một khoản nhỏ để khi có thời gian sẽ sắp xếp đưa gia đình đi nghỉ dưỡng, vừa là để báo hiếu, vừa là cách tôi lấy lại tinh thần làm việc”, anh Sơn nói thêm.

Chuyến du lịch vui vẻ cùng gia đình và bạn bè


Tuy nhiên, tự chung lại, anh Sơn vẫn luôn gắn kết việc quản lý tài chính cá nhân chặt chẽ với việc quản lý doanh nghiệp. Phần lớn thu nhập anh đều tiết kiệm để đầu tư và dự phòng cho thời điểm doanh nghiệp khó khăn và cần tăng vốn hay những lúc không có thu nhập.


“Tôi là kiểu người có thể chịu khó khăn được, lúc không có tiền tôi tiêu kiểu không có tiền. Còn lúc dư dả hơn chút rồi thì tôi tích lũy cho bản thân và cho doanh nghiệp thôi chứ không tiêu xài hoang phí”, anh nói. “Thực tế hiện nay có những người tầm tuổi tôi hoặc trẻ hơn hay có thói quen tiêu xài không có kế hoạch, nhiều khi tiêu quá số tiền mình kiếm được để rồi phải đi vay thì không tốt, tôi chắc chắn không đồng tình với cách sống này”


Anh cũng kể lại những ngày đầu khởi nghiệp, nhiều tháng công ty không có lãi, thậm chí là lỗ rất nhiều, anh có khi chỉ tiêu đến 2 triệu mỗi tháng: “Tôi luôn nghĩ người có mục tiêu và hoài bão lớn thì mới có thể chịu khổ được. Những tấm gương về sự tiết kiệm để làm giàu như Warren Buffett, Steve Jobs luôn là những tấm gương đáng để học hỏi”.


Nhưng với một người làm kinh doanh mà nói thì tiến kiệm không đồng nghĩa với keo kiệt với chính bản thân mình được. Có những thứ không chịu mất tiền nhỏ thì sẽ mất nhiều tiền hơn hoặc mất đi những cơ hội đáng giá hơn thế gấp trăm, triệu lần. Nên là "Cái gì đáng chi thì bao nhiêu cũng chi, cái nào không đáng chi thì không chi dù chỉ là một đồng".


Hiện tại, thu nhập của chàng trai 9x đã đạt trên dưới 1 tỷ mỗi tháng. Với đà phát triển của công ty hiện tại, thu nhập của anh chắc chắn sẽ còn tăng hơn nữa.

Chia sẻ Facebook