9X thu lãi tiền tỷ từ nuôi con vật “không cần cho ăn, không phải chăm”
Nhờ mạnh dạn nuôi loài không cần ăn, không cần chăm chàng trai người Ninh Thuận đã thu lãi tiền tỷ mỗi năm.
Từ tấm bé, anh Nguyễn Hữu Trực (29 tuổi, ngụ tại Tp.Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) đã thích ong. Những buổi trưa nắng, Trực lang thang từ bụi cây này đến hốc trụ điện khác để nhìn ngắm những tổ ong.
Cũng vì sở thích đó cho tới khi trưởng thành, có tích lũy ít vốn liếng từ công việc nhân viên ngân hàng, anh Trực quyết định đầu tư nuôi ong mật. Nhưng lần khởi nghiệp đầu tiên này của anh Trực thất bại hoàn toàn, lỗ hơn 100 triệu đồng do điều kiện khí hậu vùng đất Ninh Thuận không phù hợp với ong mật.
Điều bất ngờ đã xảy ra khi những chiếc thùng nuôi ong mật bỏ phế ở góc vườn có một đàn ong mới vào làm tổ. Tìm hiểu thì anh Trực mới biết đó là đàn ong sống trong ngôi nhà cổ hàng trăm năm của gia đình tách đàn ra đây. Khi đàn ong này tạo mật, anh Trực ăn thử và thấy có vị ngọt thanh khá lạ miệng. Anh quyết tâm tìm hiểu và nhân giống đàn ong này.
Nhờ giỏi tiếng Anh, anh Trực tìm hiểu từ các tài liệu nước ngoài thì biết đàn ong này là giống ong dú, một loài ong nhỏ như con ruồi, rất hiền vì không có nọc độc. Loài này không tấn công người nên rất an toàn với trẻ con và người già.
Bất ngờ nữa là giống ong này rất dễ nuôi vì không cần cho ăn, chúng có thể tự bay đi rất xa để tìm kiếm hoa cỏ hút mật, đặc biệt là không ăn đường để tạo mật nên chất lượng mật rất tốt và người nuôi cũng không tốn kém chi phí mua đường.
Khi mới bắt đầu nhân giống ong dú, anh Trực phải trải qua một đợt phẫu thuật, nằm điều trị tại bệnh viện hơn 2 tháng trời. Thời gian nằm viện, anh rất lo lắng cho đàn ong. Nào ngờ, khi anh về, đàn ong vẫn phát triển tốt, số lượng còn đông hơn.
Từ đây, anh Trực biết rằng nuôi ong dú rất dễ, không cần chăm sóc gì cả. Anh cho biết, loài ong này rất dễ nuôi, dễ nhân đàn và không bao giờ bỏ tổ. Chỉ cần chú ý 2 điểm là bảo vệ nó khỏi các giống thiên địch như thằn lằn, nhện… và đừng khai thác mật trước mùa mưa, mùa rét vì dễ khiến đàn ong bị đói và chết hàng loạt.
Sau 3 năm nhân giống, đến năm 2021, anh Trực đã có hơn 400 đàn ong nuôi trong khuôn viên trang trại rộng 800m2. Mỗi năm một đàn ong dú cho thu hoạch mật hai lần với khoảng 1 lít mật, giá hiện tại là từ 1-1,5 triệu đồng/lít tùy mùa.
Trong năm 2021, do tập trung vào tách đàn nên 400 đàn ong dú của Trực chỉ thu về khoảng 100 lít mật. Nhưng bù lại, anh bán được nhiều phấn ong, keo ong thô và thùng giống ong. Tổng cộng năm nay anh thu về hơn 960 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư còn lãi khoảng 770 triệu đồng.
Nuôi ông dú kết hợp du lịch
Nhận xét về dự án nuôi ong dú của anh Trực, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Ninh Thuận Lưu Xuân Vũ cho biết đây là mô hình nuôi ong thân thiện và bền vững với môi trường, cho ra sản phẩm đặc thù từ thiên nhiên, góp phần bảo vệ đa chủng loài sinh vật. Mô hình nuôi ong dú không tốn kém nhiều chi phí đầu tư và nguồn nhân lực, có tính khả thi cao. Các bạn trẻ hoặc hộ gia đình ở nhiều địa phương khác nhau trong tỉnh có thể áp dụng mô hình này để nâng cao mức thu nhập, phát triển kinh tế.
Để hỗ trợ các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, Tỉnh Đoàn Ninh Thuận tiếp tục phối hợp các đơn vị hỗ trợ kinh nghiệm, nguồn vốn, quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm từ các mô hình, ý tưởng khởi nghiệp để góp phần tạo sức lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên trong tỉnh.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, anh Nguyễn Hữu Trực cho biết sẽ đầu tư mở rộng quy mô trang trại, xây dựng thương hiệu, quảng bá và liên kết với các nhà vườn, nông trại, vườn cây ăn quả để cung cấp hoặc cho thuê ong giống thụ phấn an toàn với phương châm “tự nuôi ong lấy mật an toàn tại nhà;” cùng các hộ nuôi ong dú thành lập hợp tác xã ong dú trên địa bàn nhằm giúp đỡ nhau về kỹ thuật, nâng cao chất lượng, tạo thương hiệu và ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Đồng thời, anh kết nối với các điểm du lịch và các vườn hoa, vườn nho, vườn táo, điểm tham quan trong tỉnh để trưng bày các sản phẩm từ ong dú và cung cấp các trải nghiệm thực tế để du khách tham quan, chụp hình, tìm hiểu nhằm tăng cường đầu ra cho sản phẩm. Anh liên kết với các trường tổ chức mô hình tham quan tìm hiểu về đời sống sinh hoạt của loài ong nói chung và loài côn trùng xã hội bậc cao nói riêng, tạo ra sự gắn kết học sinh với thiên nhiên nhằm giáo dục bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên.
Anh Trực tiếp tục nghiên cứu trang trí, bán các tổ nuôi ong dú "bắt mắt" để vừa nuôi lấy mật vừa có thể làm cảnh tạo điểm nhấn cho các không gian ngoài trời; sẵn sàng tư vấn kỹ thuật nuôi ong miễn phí cho khách hàng đến tham quan cũng như tư vấn cho người nuôi ong ở xa thông qua website, mạng xã hội, tham gia các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm về nuôi ong dú trong, ngoài nước. Cùng đó, anh tích cực tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, bán các sản phẩm từ ong dú trên các sàn thương mại điện tử nhằm giới thiệu rộng rãi tới người tiêu dùng.
Từ năm 2019, mô hình nuôi ong dú kết hợp du lịch xanh của anh Nguyễn Hữu Trực đã nổi tiếng trong giới nuôi ong. Tháng 11/2021, mô hình này của Trực đã đạt giải nhất trong Cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp Thanh niên Ninh Thuận lần thứ V - năm 2021". Theo anh Nguyễn Hữu Trực, tất cả những kiến thức nuôi ong, lấy mật, làm tổ, tách đàn… đều được anh chia sẻ tận tình trên các diễn đàn và sẵn sàng tư vấn cho bà con về mô hình này.
Anh mong muốn mô hình nuôi ong dú sẽ được nhân rộng, trở thành một mô hình kinh tế tốt cho bà con nông thôn để tận dụng lợi thế hoa cỏ thiên nhiên và lao động nhàn rỗi, nhất là người già và trẻ em.
LAM ANH (t/h theo Dân Trí, VietNam+)