9X Hà Nội dạy viết content: Thu nhập 600 triệu/tháng, mua 2 căn nhà, tậu "Mẹc" 1,6 tỷ trả thẳng một lần
Lựa chọn một công việc mới mẻ để theo đuổi, Sơn Paris đã vấp phải những ngăn cản ban đầu. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, anh khá hài lòng về cuộc sống của mình.
Hài lòng với cuộc sống hiện tại do nghề content mang tới
Sinh năm 1994, anh Nguyễn Ngọc Sơn (hay còn được biết đến với cái tên Sơn Paris) theo đuổi công việc viết lách từ những năm 20 tuổi. Ngay từ khi theo học tại Học viện Ngoại giao, anh đã làm nhiều công việc sáng tạo nội dung khác nhau, từ video cho tới các ấn phẩm phát hành nội bộ, ra mắt sách đầu tay.
Có một thời gian dài, cái tên Sơn Paris liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, báo chí, sự kiện to nhỏ nào cũng thấy góp mặt. Tuy nhiên, sự phủ sóng dày đặc khi ấy lại khiến anh lại trở thành tâm điểm chỉ trích của cộng đồng mạng với danh xưng "hot boy gạch đá", thậm chí phải khóa Facebook và "trốn" sang Singapore học hè. Thời gian trôi đi, Ngọc Sơn chọn lùi về phía sau nhưng vẫn giữ "ngọn lửa" với nghiệp viết lách.
"MXH ngày càng phát triển, những người làm content và cần đến content ngày càng nhiều. Vì thế, sau 5 năm làm nghề, sở hữu kiến thức và kỹ năng kha khá, mình bắt đầu mở lớp hướng dẫn viết content. Học viên chủ yếu là các bạn sinh viên thích viết lách, muốn tìm kiếm những công việc liên quan tới ngôn ngữ, hoặc dân kinh doanh online, họ bắt buộc phải có kỹ năng viết content để quảng cáo sản phẩm, chăm sóc khách hàng, thậm chí là xây dựng thương hiệu cá nhân."
Cùng với sự nở rộ của YouTube, TikTok và tính năng livestream trên các nền tảng - một định dạng content phổ biến, các lớp học của Ngọc Sơn còn mở rộng đào tạo ở mảng livestream trong 3 năm trở lại đây. Mỗi tháng, trung bình có khoảng 5 - 8 lớp khai giảng đều do anh trực tiếp giảng dạy, sĩ số từ 5 đến 15 học viên mỗi lớp, tùy theo mong muốn của học viên.
Những tháng cao điểm trong năm, thu nhập của anh dao động từ 400 - 600 triệu đồng. Cuộc sống của Ngọc Sơn hiện tại, khi nhìn lại, đã khá đầy đủ so với bạn bè trang lứa khi anh đã hoàn thành mục tiêu mua nhà "tậu" Mercedes-Benz C-Class tự tặng mình, thậm chí anh còn mua thêm nhà, mua thêm xe để tặng bố mẹ. Chiếc xe được Ngọc Sơn mua tặng bố vào cuối năm 2017 thuộc dòng Honda-CrV, trị giá 1,1 tỷ đồng.
Mọi thứ đều có cái giá riêng
"Nếu chỉ nhìn bề nổi, chắc chắn ai cũng cho rằng công việc của mình khá nhàn nhã, hoàn toàn có thể thực hiện trong một không gian cố định, mỗi buổi dạy từ 90 - 120 phút, cứ ăn mặc đẹp, chỉnh tề rồi vào "lớp", thu nhập không hề nhỏ một chút nào. Song, công việc nào cũng có những khó khăn nhất định, và nếu như bạn không thể duy trì năng lượng hay tình yêu dành cho nó, chắc chắn không thể chuyển hóa đam mê thành sự nghiệp."
Ngọc Sơn cho biết công việc của mình cũng gặp không ít những khó khăn, thử thách thường ngày. Vì tần suất các lớp học khá dày, thậm chí vào những ngày cao điểm, anh dạy tới 5 lớp. Vì thế, anh phải chú trọng việc duy trì năng lượng tốt cùng giọng nói rõ ràng, to khỏe suốt từ sáng tới đêm để truyền đạt cho học viên.
Học viên của anh đến từ nhiều ngành nghề, tỉnh thành khác nhau, nên hầu hết các lớp học chung đều được tổ chức online. Dù khi dạy online hay trực tuyến, anh phải luôn giữ năng lượng tích cực trong suốt buổi học để tránh việc học viên không cảm thấy buồn ngủ, nhàm chán khi học tập. Hơn nữa, vì "tệp" học viên đa dạng như vậy, bản thân 9X cũng phải trau dồi hiểu biết, kiến thức của mình liên tục để dễ dàng giải đáp những thắc mắc của học viên và đưa ra những ví dụ về nội dung thú vị, hợp lý và ấn tượng.
Trên thực tế, ban đầu, khi anh quyết định theo nghề dạy content, Ngọc Sơn từng gặp phải nhiều phản đối từ người thân, bạn bè, thậm chí còn bị cho rằng "Phí 2 bằng Đại học", "Công việc này sớm nở tối tàn mà thôi" trong khi anh từng là Thủ khoa Pháp ngữ của Học viện Ngoại giao Việt Nam.
Ngoài ra, Ngọc Sơn cũng dành quỹ thời gian 1 ngày để chia cho các công việc khác như: viết sách, làm MC hay quảng cáo sản phẩm... Nên đôi khi, trước kia, chưa biết cách quản lý khoa học như thế, anh thường xuyên rơi vào stress, cáu gắt, cảm thấy bản thân luôn ôm đồm, tham công tiếc việc.
"Có một lần, vì căng thẳng quá độ, mình đã "trốn" hẳn lên Tam Đảo, không trả lời bất cứ tin nhắn, cuộc gọi nào, hại mấy anh chị em bạn thân tìm cuống quýt. Tất cả cuống cuồng như thể mình mất tích thật và sắp làm điều dại dột vậy. Khi mình về tới nhà, một người anh còn bật khóc, tưởng không gặp lại mình nữa. Sau lần đó, dù có tới thành phố khác để nghỉ ngơi, cân bằng lại cảm xúc, mình cũng sẽ không khoá máy hay làm người thân của mình lo lắng nữa."
3 năm trở lại đây, anh cho biết mình làm chủ cảm xúc khá tốt, một phần đến từ việc sắp xếp lịch trình từng ngày khoa học, suy nghĩ tích cực, gặp gỡ nhiều bạn bè vui vẻ, lạc quan... Bởi thế, stress cũng ít hẳn đi.
"Làm việc cũng là một cách giải trí, đi họp cũng là một kiểu nghỉ ngơi, du lịch.
Nghe thì mâu thuẫn thật đấy nhưng mình đang biến hóa cuộc sống của mình theo chiều hướng như vậy. Mình học cách yêu công việc mình làm và dần dần không còn thấy mỏi mệt vì nó. Hơn nữa, mỗi tuần mình đều lên lịch trình đầy đủ cho từng ngày, nhờ vậy mà bản thân kiểm soát được thời gian, làm chủ các kế hoạch."