9X dùng chiêu bài “se duyên” lừa tiền hàng nghìn người nhẹ dạ trên mạng
Lợi dụng sự cả tin của con người, Đạt (SN 1996) lập ra 13 Fanpage với tên gọi “Se duyên” và tuyển người xưng “cô”, “cậu” để xem bói, lừa tiền của hàng nghìn người
Một ngày cuối tháng 10/2023, PV Người Đưa Tin có cuộc trò chuyện với Thượng tá Mai Anh Tiến, Trưởng Công an – Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Thượng tá Tiến cùng với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Như Xuân vừa triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng nghìn người trên mạng xã hội thông qua chiêu trò “xem tình duyên”, với số tiền hàng tỷ đồng.
Thượng tá Mai Anh Tiến cho biết, qua công tác trinh sát, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Như Xuân phát hiện một đường dây tội phạm lợi dụng nhu cầu tâm linh của con người để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nên tiến hành đấu tranh, triệt phá.
Thủ đoạn của đường dây tội phạm này là chúng lập ra hàng chục Fanpage với tên gọi “Se duyên”, “Se duyên 1” “Se duyên 2”, “Xem tình duyên miễn phí” …
Khi có người bình luận, nhắn tin vào Fanpage thì chúng sẽ xin số điện thoại kết bạn và liên hệ bằng zalo. Các đối tượng trong đường dây sẽ xưng là “cô” và “cậu” và tiến hành tương tác, tư vấn cho các nạn nhân.
Trong quá trình tư vấn, các đối tượng đã yêu cầu “khách” để lại họ tên, ngày tháng năm sinh…. Chúng tiếp tục lên mạng tìm kiếm thông tin cơ bản về phong thuỷ hợp với tuổi của khách cung cấp rồi giả vờ tư vấn cho khách, đồng thời đưa ra những lời đe dọa phải giải vận hạn nếu không sẽ gặp nhiều rủi ro trong thời gian tới.
Sau khi tạo được lòng tin, các đối tượng đề nghị “khách” mua các đồ vật tâm linh như: bùa, ngải… để giải hạn hoặc vật phẩm mang lại may mắn như “đồng tiền xu, vòng gỗ hoàng đàn, vòng tỳ hưu, nhẫn” với giá giao động từ 200.000 đến 2 triệu đồng.
Theo thượng tá Mai Anh Tiến, để triệt phá được đường dây này, Cơ quan điều tra gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, số tiền từng nạn nhân bị lừa không lớn, dao động từ 200.000 đến 2 triệu đồng, một số trường hợp cá biệt nạn nhân bị lừa gần 20 triệu đồng. Do vậy, bị hại ngại tố giác với cơ quan công an.
Các đối tượng lừa đảo đánh vào tâm lý và những vướng mắc của bị hại như chuyện tình cảm cá nhân, làm ăn … Đây là những việc “tế nhị”, nên khi biết bị lừa, phần lớn các bị hại không muốn người khác biết.
Đối tượng cầm đầu và các đối tượng tham gia có trịnh độ nhất định về công nghệ thông tin, hành vi tội phạm xảy ra trên không gian mạng, bị hại tản mác khắp nơi trên cả nước, chúng không giao dịch bằng phương thức gọi điện bằng số điện thoại … nên việc xác minh, củng cố hồ sơ gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, với quyết tâm cao, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, sự phối hợp của các phòng ban nghiệp vụ công an tỉnh, công an các địa phương, CQĐT Công an huyện Như Xuân đã “dựng” được hồ sơ của đường dây tội phạm này và lên phương án triệt phá.
Kết quả xác minh, Lê Tất Đạt (SN 1996), trú tại thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình là đối tượng cầm đầu đường dây tội phạm này.
Trung tá Bùi Trọng Nguyễn, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tổng hợp Công an huyện Như Xuân – người trực tiếp tham gia vụ án cho biết, từ kết quả trinh sát, CQĐT xác định được Đạt mở “đại bản doanh” tại TP.Hà Nội và TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa để hoạt động.
Tuy nhiên, việc xác định chính xác “đại bản doanh” của chúng ngoài Hà Nội ban đầu gặp khó khăn, trinh sát phải mò kim đáy biển. CQĐT cử trình sát nhiều lần ra Hà Nội để thu thập hồ sơ, xác định “đại bản doanh” của chúng.
Kết quả, nơi Đạt chọn làm “đại bản doanh” là một ngôi nhà số 29, ngõ 6, tổ dân phố An Lạc, thị trấn Châu Quỳ, huyện Gia Lâm. Vị trí ngôi nhà này rất khó tìm kiếm, chỉ có một con đường độc đạo ra vào, chúng lắp camera cảnh giới ở ngoài nên rất “đắc địa” cho hoạt động phạm tội.
Tại TP.Thanh Hóa, đối tượng cầm đầu đã thuê ngôi nhà ở Chung cư “Hùng Hiền 68” phường Đông Vệ, TP.Thanh Hóa để hoạt động. Đạt thường xuyên đi lại giữa Hà Nội - Thanh Hóa.
Sau khi thu thập đầy đủ hồ sơ, chứng cư, CQĐT đã huy động hàng chục trinh sát đồng thời ập vào khám xét các “đại bản doanh” của đường dây tội phạm này tại Hà Nội và TP.Thanh Hóa.
Trung tá Nguyễn chia sẻ thêm, với tinh thần tập trung cao độ, để đảm bảo sự thành công của vụ án, dù nhà ở gần cơ quan, nhưng anh và các trinh sát nhiều ngày ăn ngủ tại cơ quan, không về với gia đình.
Cuối tháng 9/2023, sau khi học được “nghề” lừa đảo trên không gian mạng từ một số đối tượng trở về từ Campuchia, Đạt đã tuyển dụng gần 20 đối tượng là sinh viên, học sinh có kiến thức tin học, có kỹ năng giao tiếp và giao cho mỗi người một bộ máy tính để bàn, 1 điện thoại di động có cài sẵn các nội dung, dữ liệu trên tài khoản facebook, zalo và phân ra 2 nhóm tại Hà Nội, Thanh Hóa để tổ chức hoạt động lừa đảo trên không gian mạng.
Từ cuối tháng 9/2023 cho đến khi bị bắt, Lê Tất Đạt đã chỉ đạo các “nhân viên” của mình thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của hàng nghìn nạn nhân trên cả nước với số tiền hàng tỷ đồng.
Thượng tá Mai Anh Tiến, nguyên Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh tỉnh Thanh Hóa. Năm 2018, thượng tá Tiến trực tiếp chỉ huy, tham gia triệt phá đường dây tín dụng đen “tra tấn người như thời trung cổ” hoạt động trên địa bàn 63 tỉnh, thành cả nước.
Đường dây tín dụng đen này núp dưới danh nghĩa Công ty tài chính Nam Long, có địa chỉ tại TP.HCM. Tổ chức tín dụng đen này do Nguyễn Đức Thành cầm đầu, với số tiền giao dịch hơn 510 tỷ đồng.
Từ khi được bổ nhiệm làm Trưởng Công an – Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Như Xuân cho tới nay, Thượng tá Tiến cùng với CQĐT đã đánh sập, triệt xóa nhiều tổ chức tội phạm sử dụng công nghệ cao hoạt động tội phạm trên các nền tảng mạng xã hội như: Đánh bạc, lừa đảo chiểm đoạt tài sản …
Thượng tá Mai Anh Tiến được coi là một trong những khắc tinh tội phạm công nghệ cao.