'90% nấm ở chợ đầu mối nhập từ Trung Quốc nhưng không để nhãn mác, cả khi vào siêu thị'
Đó là vấn đề mà bà Nguyễn Thị Hồng Minh - chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch - AFT, nguyên thứ trưởng Bộ Thủy sản - đặt ra trong tọa đàm kiểm soát đầu vào của các đơn vị phân phối thương mại thực phẩm.
Tọa đàm do Hiệp hội Thực phẩm minh bạch - AFT và Câu lạc bộ Phóng viên kinh tế nông nghiệp tại TP.HCM đồng tổ chức, nhằm kiểm soát nguồn gốc an toàn với thực phẩm lưu thông trên thị trường, nhất là rau quả; thực phẩm trong các siêu thị mà lâu nay người tiêu dùng tin cậy hơn so với hàng bán ở chợ.
Bà Minh "bật mí" có đi thực tế ở các chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, chợ đầu mối Hóc Môn, chợ Bình Điền và biết 90% nấm ở chợ đầu mối là từ Trung Quốc. Ngoài ra còn có cải thảo, súp lơ…
"Tôi đến chợ Hóc Môn, các bạn ở chợ nói với chúng tôi 90% nấm là nhập từ Trung Quốc. Mình không nói Trung Quốc là xấu. Trung Quốc cũng quản lý rất tốt, thậm chí quy trình còn tốt hơn chúng ta nhưng tại sao hàng này khi nhập vào đều có bao bì, tem, mác mà khi ra chợ Việt Nam không thấy xuất hiện bao bì Trung Quốc, kể cả trong siêu thị. Đây là vấn đề chưa rõ ràng, thiếu minh bạch, treo đầu dê bán thịt chó", bà Minh nhấn mạnh.
Trao đổi thêm câu chuyện này, ông Phan Anh Tuấn - trưởng phòng quản lý an toàn thực phẩm và môi trường, chợ nông sản chợ Hóc Môn - cho rằng hàng đến từ rất nhiều nguồn; thương nhân ghi sổ nguồn gốc xuất xứ; chợ kết hợp thương nhân, tự bỏ tiền lấy mẫu có nguy cơ cao để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… bảo đảm cho nguồn hàng ra, đảm bảo uy tín cho chợ.
Ông Tuấn thừa nhận: "Súp lơ, cải thảo là hàng Trung Quốc, đúng. Ví dụ cà rốt có nhiều loại, đúng của Đà Lạt rất thơm nhưng mỗi ngày chỉ về chợ vài trăm ký, nên chợ sẽ nhập thêm cà rốt ở Hải Dương, Trung Quốc.
Nấm cũng có nhiều loại, nấm rơm trồng tại Đồng Tháp, Tây Ninh; còn nấm kim châm, nấm đùi gà mình không sản xuất được thì nhập khẩu. Có ghi rõ ràng "made in Trung Quốc, Hàn Quốc". Nhập từ đâu, hàng hóa có kiểm nghiệm đầy đủ.
Nhưng khi về chợ lẻ, không thể biết được, chỉ kiểm soát được ở chợ đầu mối. Nên mới có chuyện nho Mỹ nhưng thực sự nguồn gốc Trung Quốc, nho có mác mẫu đơn Hàn Quốc xe lôi bán đầy ngoài đường, trong khi nho đó giá thật hàng thật cả triệu đồng/kg".
Ông Nguyễn Bình Phương, đại diện chợ nông sản Thủ Đức, thông tin mỗi ngày chợ có 2.300 tấn rau củ quả trái cây, lượng rau hằng ngày lớn hơn 1.300 tấn.
Theo quy trình nhập chợ, có đội kiểm soát những chủ hàng: đăng ký mã hàng, vùng chuyển, số điện thoại người cung cấp… vào sổ ghi chép để có thể truy xuất nguồn gốc.
"99% chợ đầu mối Thủ Đức thương nhân tự mua bán và trao đổi, chợ chỉ là nơi trung chuyển hàng hóa. Rau Lâm Đồng chiếm 50% rau nhập ở chợ, 10-11h đêm đi ra các vùng tiêu thụ khác. 99% nông dân tự sản xuất, tự cung cấp cho các thương nhân ở chợ. Nên việc kiểm soát theo tôi nghĩ trước hết nằm ở vùng trồng", ông Phương nói.
Kiểm soát sản phẩm ở khâu cuối cùng là không thể
Ông Lý Hoàng Hải - giám đốc Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng, một đơn vị thực hiện test - cho rằng: "Test nhanh rau quả có chính xác không, tôi không bàn luận, ngưỡng phát hiện nồng độ bao nhiêu mới là điều đáng quan tâm.
Test có kết quả sớm 24 tiếng, chậm phải 3 ngày. Test nhanh ra kết quả với rau có dư lượng bảo vệ thực vật hàm lượng cao, còn thấp thì không phát hiện được.
Trong khi tiêu chí chi phí rất đắt mấy trăm nghìn đồng, một ký rau chỉ có vài chục nghìn đồng. Nên nói kiểm soát được sản phẩm ở khâu cuối cùng là không thể và vô lý. Chỉ kiểm soát quá trình sản xuất, canh tác đúng cách để có sản phẩm tốt".