9 tháng đầu năm 2022: 1.806 trẻ bị xâm hại
Trong 9 tháng đầu năm 2022, cứ mỗi ngày trôi qua, có 7 trẻ em bị xâm hại bạo lực, tình dục, gây thương tổn về thể chất, tinh thần, nhân phẩm.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, cứ mỗi ngày trôi qua, có 7 trẻ em bị xâm hại về thể chất, tinh thần, nhân phẩm. Con số 1.806 trẻ bị xâm hại chưa phải là con số nạn nhân cuối cùng, khi nhiều vụ việc không được công khai, chưa bị phát hiện.
Tại phiên họp thường kỳ của Ủy ban Quốc gia về trẻ em trong năm 2022 diễn ra vào sáng 17/11, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà dẫn thống kê của Bộ Công an cho hay trong 9 tháng năm 2022, toàn quốc đã phát hiện 1.711 vụ xâm hại trẻ em với con số 1.806 nạn nhân. Theo đó, cứ mỗi ngày trôi qua, có khoảng 7 trẻ em bị xâm hại.
Về việc xử lý hình sự, vẫn theo Bộ Công an, tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 1.934 vụ với 2.146 bị cáo phạm tội xâm hại người dưới 18 tuổi theo thủ tục sơ thẩm; giải quyết, xét xử 1.909 vụ với 2.116 bị cáo.
Trong khi đó, tính trong 10 tháng năm 2022, Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 399.500 cuộc gọi, 8.900 lượt thông báo qua ứng dụng, thực hiện 24.700 cuộc gọi tư vấn, 1.400 ca hỗ trợ can thiệp. Con số trên cho thấy các cuộc gọi thông báo, tư vấn lớn gấp nhiều lần số vụ xâm hại bị phát hiện.
Cũng tại hội nghị nói trên, tình hình xâm hại trẻ em được thừa nhận vẫn diễn biến phức tạp; việc chủ động phòng ngừa xâm hại trẻ em chuyển biến còn chậm, trong khi việc tổ chức phiên tòa xét xử các vụ án xâm hại trẻ em còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, hoạt động giáo dục đạo đức, kỹ năng sống và hỗ trợ tư vấn tâm lý cho học sinh còn chưa chủ động, kịp thời…
Khoản 5 Điều 4 Luật Bảo vệ trẻ em 2016 quy định: “Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác.” |
Cuối tháng 2 vừa qua, tại phiên giải trình về phòng, chống bạo lực trẻ em do Ủy ban Văn hóa, giáo dục chủ trì, phối hợp với Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Xã hội tổ chức, vẫn Bộ Lao động – thương binh và xã hội dẫn báo cáo của Bộ Công an cho hay trong năm 2021, có 1.987 nạn nhân là trẻ em bị xâm hại trong 1.914 vụ, với 2.198 đối tượng vi phạm.
Con số trên được xác định đã giảm 31 vụ so với năm 2020 trên quy mô toàn quốc. Tuy nhiên, khi xét theo quy mô tỉnh thành, có 19 tỉnh có số vụ xâm hại tăng trên 15% và 15 tỉnh thành có số vụ tăng dưới 15%.
Đối với thống kê từ Tổng đài 111, trong năm 2021, tổng đài này đã kết nối, can thiệp 1.257 vụ (giảm 3% so với năm 2020). Trong đó có 625 vụ bạo lực trẻ em, chiếm 49,72%; 205 vụ xâm hại tình dục trẻ em, chiếm 16,31% (giảm 102 ca so với năm 2020).
Đối với các vụ xâm hại bạo lực, nhiều vụ đau xót vừa mới xảy ra như vụ bé gái 6 tuổi bị mẹ ruột đánh tới tử vong (tháng 7/2021); vụ bé gái V.A (8 tuổi) tại TP.HCM bị cha và người tình bạo hành nhiều ngày, nhiều giờ tới tử vong (tháng 12/2021), vụ bé gái 3 tuổi ở Hà Nội bị cha dượng “hờ” đầu độc nhiều lần, cuối cùng tử vong do bị đóng đinh vào đầu (tháng 1/2022)…
Xâm hại tình dục trẻ em trở thành vấn nạn khi kẻ thủ ác là chính người thân trong gia đình. Chỉ tính riêng tại tỉnh Đắk Nông, tại một diễn đàn do UBND tỉnh tổ chức vào cuối tháng 8 vừa qua, Công an tỉnh Đắk Nông cho hay trong năm 2021, đã có 23 vụ xâm hại tình dục trẻ em bị khởi tố. Sang 6 tháng đầu năm 2022, thêm 11 vụ xâm hại tình dục xảy ra, trong đó có cả nạn nhân là trẻ em nam.
Nêu những vụ điển hình, Công an tỉnh Đắk Nông cho hay có vụ bé gái 13 tuổi (SN 2009) bị xâm hại dẫn đến có thai. Khi xét nghiệm ADN thì phát hiện cha của đứa bé là em họ của nạn nhân. Một vụ khác, cả hai vợ chồng bị bắt khi người mẹ phát hiện con riêng bị chồng xâm hại nhưng không tố cáo mà còn tạo điều kiện để bé gái tiếp tục bị xâm hại. Tương tự, trong một vụ người cha biết con gái bị xâm hại dẫn đến có thai, không muốn xử lý mà chỉ muốn “tìm bố cho cháu ngoại”, cuối cùng xác định cậu ruột là người xâm hại cháu bé và mẹ cháu có biết nhưng cố tình che giấu…
Nguyễn Quân
Tổng đài bảo vệ trẻ em 111: Không còn chỉ mỗi phút một cuộc gọi Năm 2020, cuộc gọi tư vấn chuyên sâu về vấn đề xâm hại, bạo lực của Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 chiếm đến 47,4% (tăng 7,2% so với năm 2019).