9 điều người quân tử cần suy xét khi làm người, làm việc
Cho dù là thời xưa hay thời nay thì một người khi được đánh giá là quân tử thông thường cũng phải có khí tiết, được mọi người kính trọng, ngưỡng mộ. Vậy một người quân tử thường có những đặc điểm nào khi làm người, làm việc? Trong sách “Luận Ngữ. Quý Thị” viết rằng người quân tử phải “tư” (suy xét) chín điều sau đây trong khi hành xử.
1. Thị tư minh
“Thị tư minh” nghĩa là đứng trước một việc phải xem xét xem bản thân mình đã nhìn được rõ ràng hết chưa. Thông thường, chúng ta đều cho rằng những điều mắt mình nhìn thấy được mới là sự thật. Nhưng thực ra chưa hẳn đã là như vậy. Không chỉ dùng ánh mắt mà rất nhiều khi chúng ta phải dùng tâm để xem xét một sự tình mới có thể thấu tỏ.
Khi tâm của chúng ta mất đi chuẩn tắc, bị thất tình lục dục dẫn động thì sẽ khó nhìn sáng tỏ được sự tình. Người quân tử có thể phân rõ thị phi, thật giả, đó là vì nội tâm của họ thanh tĩnh, khiến cho tinh thần của họ luôn duy trì ở trạng thái cao. Dùng trạng thái tĩnh tại ấy mà quan sát thì sẽ thấu tỏ việc đời.
2. Thính tư thông
“Thính tư thông” nghĩa là đứng trước một sự tình phải suy xét xem bản thân mình đã nghe rõ ràng, minh bạch hay chưa. Vô luận là đứng trước sự tình nào chúng ta cũng không nên “bảo sao nghe vậy” , mà cần phải dựa vào trí tuệ của mình để phán đoán, chọn lọc.
Những người giống như nước chảy bèo trôi, bảo sao hay vậy, thiếu sự hiểu biết chính xác thì sẽ rất dễ bị lợi dụng, kích động, mê hoặc, cuối cùng bị mê lạc, đánh mất mình.
3. Sắc tư ôn
“Sắc tư ôn” nghĩa là trong việc đối nhân xử thế của bản thân, cần xét xem sắc mặt có ôn hoà hay không, thái độ có hòa nhã hay không. Mặc dù có câu nói rằng “Biết người biết mặt không biết lòng” , nhưng trên cơ bản chúng ta có thể từ mặt mũi diện mạo của một người mà nhìn ra thế giới nội tâm của họ. Suy cho cùng, những người vui buồn mà không thể hiện ra bên ngoài thì tương đối ít, tâm tình vui buồn đúng thực có thể thông qua bộ mặt mà thể hiện ra.
Người khiêm tốn thường là có tâm thái ôn hoà, tâm tư ổn định, thể hiện ra hành vi cũng là lịch thiệp nho nhã, tự nhiên thoải mái. Nếu một người có thái độ kịch liệt hoặc hành vi cực đoan thì không phải là khí phách của người quân tử.
4. Mạo tư cung
“Mạo tư cung” ý nói rằng phải xem xét xem lời lẽ, diện mạo của bản thân có cung kính trang nghiêm hay không. Mạo ở đây chính là chỉ dáng dấp dung nhan của một người. Lúc vui, lúc buồn, một người bình thường sẽ rất dễ thay đổi tư thái của mình, nhưng một quân tử chân chính sẽ không thay đi đổi lại thái độ cùng diện mạo của họ.
Họ luôn biểu hiện ra thái độ khiêm tốn nhã nhặn, làm cho mọi người vì thế mà kính trọng họ. Thái độ của người quân tử không quá nghiêm khắc hay trịch thượng, mà mang đến cho người ta cảm giác thoải mái, không nhiệt tình thái quá, cũng không lạnh lùng đến mức làm người ta sợ.
5. Ngôn tư trung
“Ngôn tư trung” nghĩa là xem bản thân có tận tâm tận lực làm việc và bản thân có giữ chữ tín hay không. Trung, cũng có ý là “Trung với chính mình” . Chúng ta không thể đi làm những sự tình trái với lương tâm đạo đức. Như vậy mới có thể làm được trung với người, trung với việc. “Thành tín” l ại là cái gốc làm người.
Có câu nói rằng: “Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy” tức là người quân tử nói một lời, xe có 4 ngựa kéo cũng khó đuổi kịp. Người quân tử nếu đã mở miệng nói, hẳn là tuân theo tâm ý của chính mình, bởi vậy thực hiện tất cả những lời mà mình đã nói ra. Vô luận là có người biết hay không họ cũng tuyệt đối không thất hứa, bội tín.
6. Sự tư kính
“Sự tư kính” tức là phải suy xét xem bản thân làm việc có nghiêm túc cẩn thận hay không. Người quân tử chân chính tuyệt đối không xử lý sự tình, làm sự việc một cách tùy ý tùy tiện. Ngay cả khi ở một mình họ cũng thận trọng giữ mình.
Người quân tử làm bất cứ sự tình gì, nói bất cứ lời nào cũng phải suy nghĩ cẩn trọng, “nghĩ sâu tính kỹ” , không khinh suất người khác hay coi thường những việc nhỏ bé, càng không để những sự tình mà bản thân có thể xử lý đi đến kết cục không hay.
7. Nghi tư vấn
“Nghi tư vấn” nghĩa là khi tự mình gặp phải một sự tình nghi vấn khó xử lý thì không ngại học hỏi người khác, kể cả là người dưới mình. Nhà văn nổi tiếng đời Đường, Hàn Dũ đã viết trong tác phẩm “Sư đạo” rằng: “Con người không thể sinh ra là đã biết tất cả, ai có thể hiểu biết mọi thứ không nghi vấn điều gì hết?”
Quả thực là như vậy, tri thức là rộng lớn vô biên, không ai dám nói chắc chắn bản thân mình thông hiểu tri thức cổ kim cả. Khi bước vào thế giới tri thức, con người tự nhiện sẽ gặp phải những điều không hiểu, đó là bình thường.
Đạo lý “không ngại học hỏi kẻ dưới” ai ai cũng biết, nhưng thật sự làm được thì lại là việc khó trong những việc khó. Bởi vì mọi người thường vì bảo vệ cái tôi kiêu ngạo mà tự lừa dối chính mình, che đậy thiếu sót, giữ thể diện với kẻ dưới. Cho nên, một khi xuất hiện vấn đề thì liền thừa nhận thiếu sót, suy xét và học hỏi người khác, đó là cái dũng của người quân tử.
8. Phẫn tư nan
“Phẫn tư nan” nghĩa là trước khi bản thân nổi giận thì phải cân nhắc đến hậu quả, phải hiểu được việc cần nhường nhịn và khắc chế cảm xúc. Người ta một khi gặp phải việc không thuận tâm, thường hay nóng giận, nhưng nếu sự cáu giận lập tức nổi lên thì hậu quả sẽ khó lường. Cho nên khi chúng ta phát giận, trước tiên phải nghĩ đến khi nóng giận qua đi thì sẽ để lại hậu quả gì. Khi chúng ta biết rằng sự tức giận của mình có thể dẫn tới tai họa thì tự nhiên sẽ có thể đè nén được sự tức giận đó xuống.
Kìm nén sự tức giận đối với một người bình thường mà nói là việc tương đối khó, nhưng đối với một quân tử mà nói thì nhất định có thể học được. Người quân tử có thể khắc chế vững cảm xúc của bản thân, cũng hiểu được sự quý giá và trọng yếu của nhẫn nhịn.
9. Kiến đắc tư nghĩa
“Kiến đắc tư nghĩa” tức là khi nhìn thấy danh lợi thì phải suy xét xem nó có hợp với đạo nghĩa hay không. Người quân tử coi trọng tiền tài nhưng lấy phải theo đạo nghĩa, không nhận một cách tùy tiện.
Khi lợi ích trước mắt, không phải ai cũng có thể suy xét xem nó có phù hợp với chữ “nghĩa” hay không. Chỉ người quân tử coi trọng đạo nghĩa, không bị lợi ích dẫn dụ mê hoặc mới có thể làm được điều này.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Người quân tử cao thượng không khiến người khác đố kỵ
Mời xem video :