8X làm cầu nối học bổng du học

Chia sẻ Facebook
21/04/2022 12:53:35

Phạm Huy Hùng (34 tuổi), tốt nghiệp loại ưu cùng lúc hai ngành ở Đại học Texas Christian (Hoa Kỳ) và lấy bằng cao học với điểm 3.8/4.0 tại Đại học Texas A&M, được Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở TP.HCM mời làm cán bộ đào tạo...

Bạn Phạm Huy Hùng trong một buổi đào tạo về các kỳ thi chuẩn hóa tại Lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM. - Ảnh: H.PHẠM


Thế nhưng Huy Hùng cho biết niềm tự hào lớn nhất của mình lại là việc gắn kết các bạn trẻ Việt với những suất học bổng nước ngoài.


Học từ sự thất bại

Quay trở lại thời phổ thông, Huy Hùng từng thi đậu vào ba ngôi trường chuyên là Trường phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) và THPT chuyên Lương Thế Vinh (Đồng Nai). Chọn đầu quân vào lớp chuyên Anh Trường phổ thông Năng khiếu, Hùng cho biết đây là một may mắn lớn vì trước đó không nghĩ bản thân sẽ có duyên với ngoại ngữ.

"Tôi tiếp cận những chữ cái tiếng Anh đầu tiên vào năm lớp 3 nhưng việc học cũng khá trầy trật, làm bài tập sai rất nhiều. Khi lên cấp II và xem các kênh truyền hình nước ngoài, tôi tự nhủ nếu bản thân coi phim hoặc đọc được sách nước ngoài, giao tiếp được với người ngoại quốc thì sẽ được nghe thêm nhiều câu chuyện hay, tiếp thu thêm một nền văn hóa mới", Huy Hùng nhớ lại.

Thấy rõ lợi ích từ ngoại ngữ, động lực và nỗ lực học môn tiếng Anh trong bạn lớn dần. Khi chuẩn bị vào cấp III, bạn ngày đêm tìm kiếm, đọc nhiều tài liệu để tìm hiểu sâu tiếng Anh hơn với khát khao chinh phục những giải thưởng học sinh giỏi cũng như để được bước vào các ngôi trường chuyên.

Đạt kết quả học tập tốt thời phổ thông, Hùng sau đó tự tin nộp hồ sơ ứng tuyển học bổng vào các ngôi trường đại học Mỹ và rớt liên tục.

"Có thể nói lúc đó tôi suy sụp tinh thần rất nhiều, cảm thấy mọi nỗ lực bỏ ra đều vô ích. Nỗi buồn càng đậm khi bạn bè giỏi giang xung quanh rộn ràng đón nhận nhiều tin vui. Những tháng ngày cặm cụi thức khuya để học thi SAT, nhiều đêm ngày nát óc lên ý tưởng cho bài luận tuyển sinh nộp vào các trường... đều thành mây khói! Lúc đó cũng có một số trường tại Mỹ nhận nhưng không cho học bổng hoặc học bổng giá trị rất ít, vượt xa khả năng chi trả của gia đình", Huy Hùng bộc bạch.

Sau đó Hùng nhận ra thất bại trên không phải là điều xấu. Nhờ nó mà Huy Hùng có thêm thời gian tham gia nhiều hoạt động cộng đồng mà bản thân yêu thích, hoàn thiện các kỹ năng lẫn kiến thức còn mỏng từ đó trở nên trưởng thành hơn.

"Và tôi cũng nhận ra tầm quan trọng của yếu tố phù hợp vì không phải lúc nào các trường cũng chọn ứng viên giỏi nhất. Đa số họ sẽ chọn ứng viên phù hợp giá trị, văn hóa với môi trường của họ hơn", Huy Hùng đúc kết kinh nghiệm bản thân và cho biết cuối cùng đã nhận được cái gật đầu cấp học bổng từ ngôi trường bạn mơ ước.


Chia sẻ kinh nghiệm cho đàn em


Hiện sống và làm việc chủ yếu tại Hoa Kỳ, Huy Hùng vẫn về Việt Nam thường xuyên. Những năm qua, bạn luân phiên dành thời gian giảng dạy tại các ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Sư phạm TP.HCM cũng như tại Lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM. Nhiều học sinh của bạn sau đó có cơ hội đặt chân vào những ngôi trường nổi tiếng tại Mỹ như Phạm Hy Hiếu (ĐH Stanford), Tâm Nguyễn (Học viện công nghệ MIT), Trần Võ Minh Phúc (ĐH Princeton)...

Huy Hùng cho biết mong muốn của bạn trong tương lai là giúp nhiều học sinh Việt có cơ hội chinh phục cổng trường đại học Mỹ.

"Bản thân đã có nhiều thăng trầm trong suốt hành trình học tập nên tôi hy vọng đem các kiến thức, trải nghiệm đó chia sẻ lại cho các bạn. Chẳng hạn chúng ta có thể tiết kiệm thời gian mà vẫn học ngoại ngữ hiệu quả nhờ tư duy toán học. Tôi mong từ các câu chuyện của mình, giới trẻ Việt sẽ bớt va vấp, thất bại để từ đó luôn sống tích cực, đầy nhiệt huyết và góp phần giúp hai chữ Việt Nam trở nên giàu đẹp, vững mạnh hơn", Hùng nói.

Nói về Huy Hùng, bạn Dương Quốc Trung (sinh viên cao học tại ngôi trường top 6 nước Mỹ Cornell) chia sẻ: "Tôi có cơ hội tiếp xúc và học luyện SAT với anh Hùng khi học năm cuối cấp III. Do anh rất nhiệt tình nên sau này khi chuẩn bị học lên cao học, tôi đã kết nối lại với anh để hỏi về các bước chuẩn bị cho bài thi chuẩn hóa cao học là GRE, những điều cần lưu ý khi viết bài luận.

Ở anh tôi thấy không chỉ là sự tận tình, chu đáo mà còn là phương pháp truyền đạt kiến thức, chiến lược hiệu quả, nhờ đó tôi "tiêu hóa" được lượng tài liệu khủng để làm tốt bài thi. Cuối cùng tôi đã được nhận vào cả 5 trường mình đăng ký, trong đó có đại học hàng đầu là Cornell. Phải nói tôi thật sự biết ơn anh rất nhiều".


"Gap year" để lắng nghe bản thân

Sau những thất bại khi xin học bổng, Huy Hùng suy nghĩ và quyết định sẽ "gap year" (tạm dịch: khoảng thời gian vài tuần đến vài tháng giới trẻ phương Tây tạm dừng những hoạt động đời thường để tập trung tham gia một dự án mới mẻ, tìm hiểu sâu hơn về bản thân, nghề nghiệp, sở thích - PV) tại Việt Nam trong một năm.

Trong một năm đó, Hùng cẩn thận xem lại những "lỗ hổng" của bản thân, phân tích những nguyên nhân khả năng cao dẫn đến việc không nhận được thư mời nhập học hoặc cấp học bổng từ các ngôi trường mơ ước, lắng nghe góp ý từ thầy cô và bạn bè...

Ở tuổi 30, khi đã tự chủ về tài chính, anh Nguyễn Thanh Tùng, giám đốc kinh doanh tại FPT Telecom chọn “nghỉ hưu sớm”, mua căn penthouse trên tầng 30 tại Ecopark để trồng cây, nuôi cá và trở thành một blogger du lịch.

Chia sẻ Facebook