81 công ty được cấp phép môi giới chứng khoán

Chia sẻ Facebook
25/11/2022 16:33:49

Theo danh sách công bố chính thức của ủy ban chứng khoán nhà nước thì hiện cơ quan này đã cấp phép cho 81 công ty.


Thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp đã thiết lập các website, app giao dịch (Tititada, Anfin, Infina,…) sử dụng công cụ truyền thông, báo chí quảng bá cho sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn của các nhà đầu tư .


Các website, app giao dịch này huy động vốn của nhà đầu tư dưới hình thức hỗ trợ nhà đầu tư đặt lệnh giao dịch chứng khoán, có dấu hiệu hoạt động kinh doanh chứng khoán mà không được UBCKNN cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

UBCKNN khẳng định, nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

Do vậy, UBCKNN khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app giao dịch này. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm đối với các rủi ro có thể phát sinh.

Ngoài ra, nhằm góp phần minh bạch hóa thị trường chứng khoán, UBCKNN cũng đã công bố danh sách 81 công ty chứng khoán được cấp phép hoạt động môi giới chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán.

Trước đó, trong tháng 10/2022, ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN) cũng đưa ra khuyến cáo nhà đầu tư về tình trạng một số doanh nghiệp đã thiết lập các website, app giao dịch như: Passion Invest, Finhay, Tikop, Savenow, BUFF… để huy động vốn của các nhà đầu tư.

Các website, app giao dịch này hoạt động dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được UBCKNN cấp phép, quản lý theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Công an Hà Nội cảnh báo hàng chục trang web lừa đảo giao dịch chứng khoán

Theo Công an thành phố Hà Nội, nhiều cá nhân nhận được đường dẫn đến các trang web, ứng dụng giao dịch sử dụng công cụ truyền thông quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của các đối tượng trên mạng xã hội (chưa xác định được nhân thân) để giao dịch mua bán chứng khoán với mục đích huy động vốn của các nhà đầu tư, sau đó chiếm đoạt tiền.


Sau khi chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng chỉ định, nhà đầu tư không rút được tiền từ tài khoản đã đăng ký trên giao diện giao dịch chứng khoán giả mạo và bị mất tiền.

Các đường link đã được các đối tượng phát tán trên địa bàn TP Hà Nội như http://www.zh7.com/rk/vip45; http://af968501.xyz/00BBJPBF; http://www.zh7.com/rk/vip25; http://www.rzwej.xyz; http://a.f968501.xyz/o0bbjpbf; http://www.zmh7.com/rk/vip20; http://af968501.xyz/O0BBJBBF; http://vn1direct.me; http://vn1direct.me/trading; http://vn1direct.me/…


Tuệ Minh

Chia sẻ Facebook