80.000 nhân viên Google tham gia quá trình thử nghiệm chatbot Bard
Hồi tháng 2, Bard đã khiến Alphabet, công ty mẹ của Google, mất 100 tỷ USD giá trị thị trường sau khi chia sẻ thông tin không chính xác trong một video quảng cáo.
Google, công ty con của Alphabet, hôm 21/3 đã bắt đầu mở quyền truy cập công khai chatbot Bard của mình nhằm tìm kiếm người dùng và phản hồi để bắt kịp Microsoft trong cuộc đua về công nghệ trí tuệ nhân tạo.
“Bắt đầu từ hôm nay, người dùng ở Mỹ và Anh có thể đăng ký tại bard.google.com. Đây chỉ là bước đầu tiên và chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai tính năng này cho nhiều quốc gia và ngôn ngữ hơn theo thời gian”, CEO Google và Alphabet Sundar Pichai cho biết trong một email gửi nhân viên Google.
Email của ông Pichai cũng cho biết 80.000 nhân viên của Google đã đóng góp vào quá trình thử nghiệm Bard, đáp lại lời kêu gọi hành động chung tay của ông vào tháng trước, trong đó có lời kêu gọi nhân viên viết lại các câu trả lời kém chất lượng của chatbot này.
Ông Pichai cũng cho biết công ty đang cố gắng thử nghiệm một cách có trách nhiệm và đã mời 10.000 người thử nghiệm đáng tin cậy “từ nhiều nền tảng và quan điểm khác nhau”.
Google mô tả dịch vụ của mình là một “thử nghiệm ban đầu” cho phép người dùng cộng tác với công nghệ Generative AI (một loại trí tuệ nhân tạo tạo ra dữ liệu mới dựa trên một tập hợp các dữ liệu hoặc mẫu hình mà nó đã được đào tạo, bao gồm văn bản, hình ảnh, âm nhạc, v.v.).
Bard được cung cấp bởi LaMDA, một mô hình ngôn ngữ lớn do Google phát triển. Bard có thể rút ra phản hồi từ những gì Google coi là nguồn thông tin “chất lượng cao” để hiển thị các câu trả lời cập nhật.
Trong phần trình diễn trang web bard.google.com, ông Jack Krawczyk, giám đốc sản phẩm cấp cao của Google cho thấy Bard có thể tạo ra các khối văn bản ngay lập tức, khác với cách ChatGPT gõ câu trả lời từng từ một.
Không giống như ChatGPT, Bard không thành thạo trong việc tạo mã máy tính, Google cho biết trên trang web của mình. Google cũng cho biết họ đã hạn chế bộ nhớ của Bard về các trao đổi trước đây trong một cuộc trò chuyện và hiện tại họ không sử dụng Bard để quảng cáo, vốn là cốt lõi trong mô hình kinh doanh của Google.
Giống như các chatbot tương tự, Bard dựa trên một loại công nghệ AI được gọi là mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), nghĩa là ứng dụng này học các kỹ năng bằng cách phân tích lượng dữ liệu khổng lồ từ khắp nơi trên internet.
Điều này có nghĩa là chatbot có thể hiểu sai sự thật và đôi khi tạo ra thông tin mà không có cảnh báo trước (một hiện tượng mà các nhà nghiên cứu gọi là ảo giác). Google cho biết họ đã làm việc để hạn chế hành vi này, nhưng thừa nhận rằng các biện pháp kiểm soát của họ không hoàn toàn hiệu quả.
Google đăng tuyên bố từ chối trách nhiệm dưới hộp câu hỏi của Bard, cảnh báo người dùng rằng các vấn đề có thể phát sinh: “Bard có thể hiển thị thông tin không chính xác hoặc xúc phạm không đại diện cho quan điểm của Google”.
Bard cũng có tính năng hiển thị 3 câu trả lời “nháp” để người dùng lựa chọn và cho phép họ phản hồi về tính hữu ích của một câu trả lời cụ thể. Ở cuối câu trả lời có thêm lựa chọn “Google it” (Tìm kiếm bằng Google), đưa người dùng đến một tab mới với trang kết quả tìm kiếm thông thường của Google về chủ đề này.
Việc phát hành ChatGPT, một chatbot từ công ty khởi nghiệp OpenAI do Microsoft hậu thuẫn vào cuối tháng 11/2022 đã gây ra một cuộc chạy đua gay gắt trong trong lĩnh vực công nghệ nhằm đưa AI đến tay nhiều người dùng hơn.
ChatGPT đã trở nên phổ biến trên toàn cầu kể từ khi phát hành, và Microsoft gần đây đã tích hợp công nghệ của OpenAI vào tìm kiếm Bing.
Khi được hỏi liệu các động lực cạnh tranh có đứng sau sự ra mắt của Bard hay không, ông Jack Krawczyk, giám đốc sản phẩm cấp cao của Google cho biết, công ty tập trung vào người dùng. “Những người thử nghiệm ứng dụng này cả nội bộ và bên ngoài đã tìm đến Bard vì nó “giúp họ nâng cao năng suất, thúc đẩy sự sáng tạo, và khơi dậy trí tò mò của họ”, ông khẳng định .
Nguyễn Tuyết (Theo CNBC, NY Times, Reuters)