8 truyền thống "kỳ lạ" còn tồn tại trên thế giới
Biết trước những truyền thống có phần lạ lẫm này sẽ giúp chuyến du lịch của bạn thuận tiện, an toàn hơn.
Nhật Bản: đếm dựa trên ngón tay cụp xuống
Các quốc gia và nền văn hóa khác nhau lại có những cách đếm số bằng tay riêng biệt. Ví dụ, Mỹ và Trung Quốc thường bắt đầu đếm từ ngón trỏ, Đức, Ý, Pháp và một số quốc gia Châu Âu đếm từ ngón cái. Tuy nhiên, khác biệt với tất cả các nền văn hóa khác, Nhật Bản lại đếm số dựa vào ngón tay bị cụp xuống thay vì đưa lên.
Indonesia: sử dụng lá chuối làm tấm lót trong bữa ăn
Lá chuối đã được sử dụng trong nấu ăn từ lâu đời và là một phần của văn hóa ẩm thực truyền thống ở nhiều quốc gia. Ví dụ, tại Indonesia, lá chuối thường được sử dụng để trải trên đĩa khi thức ăn được dọn lên. Trong trường hợp này, lá chuối không chỉ có giá trị về mặt thẩm mỹ mà còn giúp cho quá trình dọn dẹp không tốn quá nhiều công sức.
Ai Cập: không nên xin muối
Xin muối có thể bị coi là một hành vi xúc phạm người khác tại Ai Cập. Đó là tín hiệu cho đầu bếp biết rằng món ăn của họ chưa hoàn thiện và người Ai Cập coi đó là tín hiệu cho thấy bạn chán ghét đồ ăn.
Ấn Độ: Phụ nữ kết hôn đeo nhẫn ở ngón chân
Nhẫn cưới thường được đeo ở ngón tay thứ tư của bàn tay trái ở Mỹ và nhiều nước phương Tây khác. Tuy nhiên, Ấn Độ có truyền thống đeo nhẫn trên tay phải vì bàn tay trái bị coi là không sạch sẽ. Riêng với phụ nữ Ấn Độ đã có gia đình, ngoài bàn tay, họ còn đeo nhẫn ở bàn chân, được gọi là Bichiya theo đạo Hindu. Bichiya được đeo trên ngón thứ hai của cả hai bàn chân.
Hàn Quốc: trẻ sơ sinh được coi là một tuổi
Một đứa trẻ ở Hàn Quốc ngay khi sinh ra đã được coi là một tuổi. Nguồn gốc của truyền thống này vẫn còn là một ẩn số chưa có lời giải đáp chính xác. Theo một giả thuyết, một tuổi ở thời điểm sinh ra ám chỉ cho 9 tháng trong bụng mẹ sau khi đã được làm tròn. Các giả thuyết khác cho rằng các nền văn hóa châu Á thời kỳ đầu không tin vào khái niệm số 0.
Na Uy: sử dụng máy thái pho mát đặc biệt
Pho mát tại Na Uy không bị dùng dao để phân chia như ở các quốc gia khác mà người dân nơi đây sử dụng một chiếc máy chuyên dụng. Được biết, mặt hàng máy cắt pho mát cũng rất đa dạng về chức năng và chủng loại ở thị trường nước này.
New Zealand: không bắt buộc phải đi giày dép
Tại New Zealand, việc đeo giày dép là một lựa chọn không có tính bắt buộc cao. Trẻ em thường đi chân trần đến công viên, cửa hàng và các địa điểm kinh doanh khác. Người dân khi đi ngoài đường phố cũng thường không mang giày.
Tây Ban Nha: nhảy qua các đứa trẻ sơ sinh
Vùng Castrillo de Murcia, phía bắc Tây Ban Nha có một truyền thống văn hóa lâu đời : những người đàn ông mặc trang phục sặc sỡ nhảy qua những đứa trẻ sơ sinh trong lễ “El Salto del Colacho” như một cách giới thiệu chúng với các bậc thánh thần trong tín ngưỡng địa phương.