8 nỗi khổ ai cũng phải trải qua trong cuộc đời
Đời người, niềm vui và nỗi buồn luôn luôn song hành tồn tại, ai ai cũng phải trải qua, không có ai là ngoại lệ. Nhà Phật cho rằng đời người là khổ, nhân sinh trăm vị có bao nhiêu nỗi khổ đây?
Nhà Phật cho rằng thế giới thực tại là khổ, con người sinh sống trên thế gian này bản thân là khổ. Cho nên, con người khi hạ sinh, đầu tiên cất lên chính là tiếng khóc. Vì sao sinh sống là khổ? Người ta có mệt mỏi, nóng lạnh, đói khát, phải làm việc cực nhọc, phải chịu nhiều đắng cay trong đời, sống sống chết chết không biết lúc nào kết thúc. Bởi thế sống nơi nhân thế đã là khổ rồi.
Tuổi thanh xuân của mỗi người đều nhanh chóng trôi qua và biến mất, ẩn sâu vào những vết nhăn hằn trên cơ thể. Đồng thời tồn tại với sự sống là cái chết. Cơ thể vật chất của mỗi người cũng đều trải qua quá trình sinh ra và chết đi.
So với ngày hôm qua, ngày hôm sau ai cũng đều phải già đi, cho dù chúng ta không nhìn rõ được sự lão hóa này bằng mắt thường. Người bình thường không cách nào có thể khống chế và làm thay đổi được quá trình này. Cho nên, mỗi khi nhìn lại, phát hiện ra mình đã già đi thì trong tâm sẽ phảng phất nỗi buồn.
Có câu rằng, trời có mưa gió bất ngờ, người có sớm tối họa phúc, không thể dự liệu. Bệnh tật là nỗi khổ của đời người, ai ai cũng sẽ phải trải qua. Cho dù là ngày hôm nay khỏe mạnh, nhanh nhẹn, nhưng ngày mai cũng khó có thể biết trước được. Cho nên bệnh tật cũng là nỗi khổ lớn của đời người.
Các bậc giác ngộ cho rằng cái chết là không đáng sợ như người vẫn tưởng tượng. Bởi vì họ cho rằng cái chết là khởi đầu của một sinh mạng mới. Luân hồi là để một sinh mệnh tiếp tục hành trình của mình trong dòng chảy lịch sử đằng đẵng. Trong luân hồi có quên đi, có khởi đầu lại mới, cũng là vì mỗi sinh mệnh đều chỉ có thể chịu tải được bấy nhiêu ký ức. Sự lưu luyến, không muốn rời xa những ký ức ấy lúc người ta chết đi chính là nỗi khổ.
“Sinh, lão, bệnh, tử” là quy luật tự nhiên, mỗi người chúng ta đều phải trải qua cho nên chỉ có thể dùng tâm thái thản nhiên mà tiếp nhận. Lạc quan, không sợ sệt, sẽ khiến cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều rồi.
Chia ly
Yêu thương nhau là một điều ngọt bùi, một niềm vui mà người có thể cảm nhận, nếm trải. Nhưng tình yêu thương vốn cũng bao hàm sự thống khổ. Một khi yêu thương thì sẽ khó chấp nhận sự chia cách, phân ly. Cho nên từ xưa đến nay có biết bao người vì điều này mà rơi vào tuyệt vọng, thống khổ.
Ly biệt cũng là một nỗi khổ sẽ xảy ra trong cuộc đời. Thân nhân chia lìa, bạn bè ly biệt đều là những chuyện khiến người thống khổ nhưng là điều hiển nhiên trong cuộc sống. Chi bằng hãy biến khoảng thời gian ở bên nhau trở nên tươi đẹp để sau này không phải tiếc nuối không nguôi?
Oán hận
Oán hận người bao nhiêu thì bản thân sẽ tổn thương bấy nhiêu. Thời gian oán hận càng kéo dài sẽ khiến người ta càng khổ hơn. Cho nên cho dù đời người có những lúc không thuận như thế nào đi nữa đều cần mở rộng tấm lòng, đừng giữ lấy oán hận.
Cầu mà không được
Dục vọng của người giống như một sợi dây chun kéo căng. Một khi tìm không được điều mình đang truy cầu thì sẽ bật ngược trở lại, bắn vào làm tổn thương mình, từ đó mà thống khổ. Những thứ người truy cầu là vô cùng nhiều nhưng những thứ đạt được lại hữu hạn, bởi đó là phúc báo của bản thân. Truy cầu không được, nếu làm việc xấu để nắm giữ, thì lại càng tổn thương, càng rơi vào thống khổ. Bởi thế vô luận là truy cầu điều gì, mỗi người đều cần phải xác định cho mình một hạn độ, nếu vượt qua hạn độ ấy thì rất có thể điều nhận được lại là đau thương.
Các tín ngưỡng cổ đại đều nói về sự tồn tại của linh hồn, cho rằng thân thể con người chỉ là nơi trú ngụ tạm thời của linh hồn mà thôi. Bởi vậy có cách nói rằng: Chúng ta đến cõi đời này với hai bàn tay trắng, khi rời khỏi đây cũng là hai bàn tay trắng.
Những danh, lợi, tình không thể mang đi được, sao phải vì điều đó mà đau khổ? Nhưng trong xã hội, điều khiến con người cảm thấy đau khổ nhất thường là danh, lợi, tình. Đó cũng chính là cái “mê” của con người. Cũng vì danh, lợi, tình mà người ta hình thành duyên nợ, mãi không thể dứt bụi hồng trần, ở trong luân hồi mà vô tri.
Người ta nghe thấy, nhìn thấy, gặp phải, cảm nhận được đủ loại hình tướng trong thế giới thực tại. Nhưng nhà Phật giảng rằng đó đều là mê, đều khiến bản thân bị mê lạc. Chỉ có trí huệ cao hơn đến từ sự tu luyện mới có thể vượt thoát khỏi cái “mê” này. Đây chính là điều mà Đạo gia gọi là phản bổn quy chân, Phật gia gọi là giác ngộ, Kitô giáo gọi là cứu rỗi.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Mời xem video :