8 năm sau khi bán Kinh Đô với giá 10.000 tỷ đồng, KIDO có trở lại được "ngôi vương" ngành bánh?
Từng bán thương hiệu vương miện đỏ Kinh Đô để xoay trục phát triển ngành khác, nay KIDO lại quay về phát triển ngành bánh kẹo, quyết tâm mang bánh trở thành hàng thiết yếu của người Việt và xuất khẩu văn hóa Việt ra thế giới.
Cuối năm 2014, giới tài chính trong nước bất ngờ khi Kinh Đô chủ động bán lại thương hiệu cho tập đoàn Tập đoàn Mondelēz International với giá trị khoảng 10.000 tỷ đồng. Công ty cổ phần Kinh Đô đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO, rời lĩnh vực kinh doanh bánh kẹo và bước chân vào thị trường dầu ăn, kem và các mảng thực phẩm thiết yếu khác.
Quyết định này được thực hiện tại thời điểm KIDO có tham vọng trở thành doanh nghiệp tỷ đô nhưng tăng trưởng ngành kinh doanh chính là bánh kẹo của công ty lúc đó chỉ đạt 5-6%/năm. Tận dụng nguồn lực mới sau thương vụ, KIDO dần chiếm lĩnh thị trường với thị phần dẫn đầu ngành kem ( khoảng 43,5%) và dầu ăn (khoảng 30%) tại Việt Nam những năm gần đây.
"Việc kinh doanh đôi khi cũng có những sản phẩm không phù hợp thì mình phải chấp nhận loại bỏ… Mình nắm được dòng tiền, thì còn làm nhiều cái dự án lớn hơn nữa"
"Làm cái gì cũng phải tạo ra giá trị. Nếu chúng ta không tạo ra giá trị, chúng ta không thể nào tồn tại được. Chúng tôi phải thay đổi để tiếp tục con đường xây dựng chiến lược của tập đoàn".
Từ khi mua thêm mua mảng dầu ăn, hoạt động kinh doanh mỗi năm của KIDO đều tăng khoảng 30-40%. Tính riêng quý 2 năm 2022, công ty tăng trưởng 27% so với năm ngoái. Trước khi thực hiện thương vụ, KIDO chỉ có 120.000 điểm bán bánh nhưng đến khi chuyển sang mảng dầu ăn, công ty đã xây dựng mạng lưới lên tới 450.000 điểm bán, phân phối hàng triệu sản phẩm ra thị trường mỗi ngày.
Tuy nhiên ngay trong lúc các mảng kinh doanh mới vẫn làm ăn tốt thì KIDO lại quay về với ngành bánh kẹo, tham vọng đưa thương hiệu bánh tươi và bánh trung thu KIDO’s Bakery lên vị trí thứ 2 trong ngành bánh tươi tại Việt Nam.
"Anh Nguyên đã thực hiện một phép đổi rất có lợi. Anh đổi từ một mảng kinh doanh theo mùa là bánh, chuyển qua có được tiền với dầu ăn. Sau khi có được tiền, ta lại đổi tiếp một lần nữa, ta chiếm được một mảng kinh doanh thực phẩm, mà là thực phẩm thiết yếu"
Đổi mới ngành bánh kẹo thành ngành hàng thiết yếu
Coi bánh là đam mê lớn, CEO KIDO với 30 năm kinh nghiệm trong ngành thực phẩm chia sẻ rằng so với thời điểm năm 2014, việc sản xuất bánh kẹo của họ hiện đã có nhiều thay đổi.
"Không như trước đây, chúng ta làm ngành bánh kẹo nhiều khi là vài chục sản phẩm nhưng không phải sản phẩm nào cũng bán được" , ông Nguyên cho biết. "Sự thay đổi là hiện giờ là phải làm những sản phẩm có giá trị. Đó là những sản phẩm vừa chất lượng, vừa tiện lợi, có thể đi xa được".
Vị lãnh đạo đánh giá ngành thực phẩm muốn thành công thì quy mô phải lớn, tập trung vào những sản phẩm mang tính thiết yếu và có hệ thống phân phối rộng khắp, duy trì giá cả luôn luôn hơn lý. Lần trở lại này, KIDO tận dụng luôn mạng lưới 450.000 điểm bán khắp các tỉnh thành đã phát triển được qua thời kỳ kinh doanh mặt hàng thiết yếu là dầu ăn để đi tiếp vào ngành bánh.
Đặc biệt nếu như trước đây, những sản phẩm bánh trung thu ngọt truyền thống chỉ có nhân đậu xanh, hạt sen, thập cẩm, thì nay, KIDO cập nhật thêm những hương vị mới từ quốc tế như vị gà Tứ Xuyên. Ở trong nước, bánh hoa cúc trước đây chỉ có thể nhập khẩu bên Pháp thì nay KIDO có thể tự sản xuất, cùng với các loại bánh bông lan tươi, mang đến cho người tiêu dùng Việt thưởng thức mỗi ngày.
Mặt khác, nhận định rằng sản phẩm bánh Trung Thu chủ yếu được dùng làm quà biếu, giới trẻ cũng có thói quen "check-in" đồ ăn trước khi sử dụng, ông Nguyên cho rằng nhà sản xuất phải biết nâng giá trị sản phẩm về khẩu vị, chất lượng mẫu mã, bao bì, chứ không phải là làm ra sản phẩm rẻ hơn để cạnh tranh.
"Thời điểm khởi đầu, mình với các nước khu vực cũng như thế giới còn cách rất xa. Nhưng ngày nay thì mình càng ngày càng rất gần với họ. Thậm chí về bao bì, thiết bị sản xuất đều có thể làm được tốt hơn. Nhưng thay đổi mà luôn giữ được bản chất của văn hóa Việt Nam, chứ không phải là thay đổi hoàn toàn giống như mình đang xài đủ rồi, sai bản chất cái văn hóa này".
Ngày nay, ông Nguyên thừa nhận sản phẩm của KIDO vẫn chưa đủ đa dạng trong bối cảnh các kênh bán hàng trực tuyến đang đem đến rất nhiều loại sản phẩm, có thể là từ Trung Quốc, với giá rất rẻ. Tuy nhiên, ông cho biết mô hình điểm bán truyền thống mà KIDO đang nắm giữ vẫn là lợi thế.
Việc chuyển sang kênh thương mại điện tử là tất yếu xong chưa thể quá nhanh chóng bởi văn hóa sinh hoạt của người dân các nước ASEAN vẫn chuộng mua sắm tại điểm bán tại khu dân cư. Do đó, chiến lược của công ty là tạo những ứng dụng và dữ liệu khách hàng thân thiết để phục vụ với chất lượng tốt hơn và nhanh hơn, tiện dụng hơn là ưu tiên hàng đầu.
"Sự trở lại của sản phẩm KIDO ngày nay khác với trước đây là sản phẩm luôn đậm đà, mang tố chất của những cái sản phẩm chất lượng cao, đẩy mạnh yếu tố văn hóa và phục vụ tiện lợi cho người tiêu dùng hàng ngày".
"Mong muốn của tôi là muốn sản phẩm có thể không những phục vụ cho người tiêu dùng trong nước mà còn mang văn minh, văn hóa Việt Nam xuất khẩu đi các nước trên thế giới".
Nhật Anh
Theo Nhịp Sống Kinh Tế