8 loại ký sinh trùng có nguy cơ lẩn trốn trong thức ăn bạn ăn hàng ngày
Nếu không cẩn thận, bạn hoàn toàn có thể ăn phải những ký sinh trùng này mà không hề hay biết.
Vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của tất cả chúng ta từ thuở xưa. Chẳng phải vì thế mà ông cha ta có câu: "ăn chín, uống sôi" - những phương pháp hạn chế tối đa nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Tuy nhiên, cần biết rằng chỉ cần sơ ý một chút trong khâu chuẩn bị hoặc chế biến thực phẩm, bạn hoàn toàn có nguy cơ mắc phải những căn bệnh nguy hiểm do ký sinh trùng gây nên. Và dưới đây là danh sách về những ký sinh trùng có nguy cơ "lẩn trốn" trong thức ăn của bạn nhất, do WHO công bố.
1. Sán dây lợn Taenia solium
Taenia solium - còn gọi là sán dây lợn - là loài sán ký sinh lớn nhất có thể lây nhiễm cho con người, với chiều dài lên tới 10m.
Đúng như tên gọi, chúng sống ký sinh trong lợn và có thể lây nhiễm sang con người khi ăn phải các nang ấu trùng nếu nấu thịt không nấu kỹ. Khi xâm nhập vào dạ dày, các nang sán phát triển và ký sinh nhờ dinh dưỡng chúng ta ăn hàng ngày.
Nếu ăn phải trứng sán - chúng sẽ có xu hướng di chuyển khắp cơ thể trước khi nở thành nang sán, và thậm chí có thể lọt vào não.
Quá trình này cực kỳ nguy hiểm, khi sán dây đã được chứng minh có thể gây ra chứng động kinh ở người. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh động kinh tại các nước đang phát triển trên thế giới.
Khi bị sán, nếu sán cư trú trong não (gặp ở 60-96% trường hợp), có thể dẫn đến các nhóm bệnh thần kinh như nhức đầu (48,4%), động kinh (6,2%), rối loạn tâm thần (5,2%), rối loạn thị giác (15,6%), suy nhược cơ thể - giảm trí nhớ (28,1%), co giật cơ (34,3%).
Ngoài ra, thể ấu trùng dưới da và trong cơ chiếm 18,57%, chủ yếu ở cơ hoành, cơ lưỡi, cơ delta, vùng thân, vùng chi và cổ, dưới da đầu...
2. Sán kim Echinococcus granulosus
Sán kim E.granulosus chỉ dài 3-7mm, nhưng vô cùng nguy hiểm. Chúng có thể sinh trưởng và phát triển trong cơ thể các loài gia súc như cừu, bò, ngựa... nhưng chủ yếu là ở chó, do đó chúng còn có tên gọi khác là sán chó.
Con người sẽ nhiễm sán chó khi ăn phải trứng của chúng (có thể từ thịt bị nhiễm khuẩn, hoặc tiếp xúc trực tiếp với phân chó). Khi xâm nhập cơ thể, trứng nở thành các nang sán ký sinh tại gan và tạo thành u nang.
Loài sán này nguy hiểm ở chỗ quá trình phát triển u nang diễn ra tương đối chậm, phải mất vài năm mới cho ra các dấu hiệu rõ rệt. Khối u có thể chứa tới vài lit dịch lỏng, và khi vỡ ra sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Hàng năm, có tới hàng triệu ca mắc sán chó trên thế giới, chủ yếu ở các quốc gia để gia súc tiếp xúc với chó, hoặc các quốc gia ăn thịt chó như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam...
3. Sán chuột Echinococcus multilocularis
Sán E. multilocularis thuộc chi sán dây nhỏ, phân bố rải rác trên thế giới, trong đó bao gồm cả những quốc gia phát triển tại châu Âu và châu Mỹ. Loài sán này sống ký sinh trong một số loài thú rừng như cáo, sóc... nhưng cũng có thể nhiễm sang chó, mèo chuột...
Khi xâm nhập cơ thể, chúng tạo nên rất nhiều u nang trong gan và các cơ quan nội tạng, đồng thời lây lan rất nhanh giống triệu chứng của bệnh ung thư. Nếu không được phẫu thuật loại bỏ nang sán, vật chủ sẽ chết rất nhanh.
Chính vì thế, những người đam mê "đặc sản" thịt chó, thịt chuột cần cẩn trọng trước khi ăn. Ngoài ra, sán có thể xâm nhập cơ thể nếu ăn phải rau hoặc các loại thực phẩm chứa trứng sán chưa được rửa sạch.
4. Trùng Cryptosporidium
Trùng Cryptosporidium có mặt trên toàn thế giới. Chúng lây lan khi sử dụng nước bị nhiễm khuẩn, hoặc ăn thức ăn rửa bằng nước đã nhiễm. Ngoài ra, sữa chưa tiệt trùng và các loài động vật có vỏ như nghêu, sò... cũng có thể là vật trung gian giúp lan truyền loại trùng này.
Khi bị nhiễm trùng Cryptosporidium, người bệnh sẽ bị tiêu chảy rất nặng cùng một số triệu chứng rối loạn tiêu hóa khác. Để tránh xa loại ký sinh trùng này, các chuyên gia khuyên rằng chúng ta nên rửa thật kỹ thực phẩm trước khi chế biến, đồng thời không uống nước chưa qua xử lý (đun sôi, lọc nước...).
5. Trùng kiết lỵ Entamoeba histolytica
Đây là loại ký sinh trùng gây ra căn bệnh kiết lỵ rất nguy hiểm, với các triệu chứng rất đặc trưng như tiêu chảy ra máu và đau đớn kéo dài. Ngoài ra, trùng kiết lỵ có thể ký sinh tại nhiều cơ quan khác như gan, thận, gây nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Cũng giống như trùng Cryptosporidium, trùng kiết lỵ Entamoeba histolytica lây lan khi sử dụng nguồn nước bị nhiễm khuẩn, hoặc các loại thực phẩm không hợp vệ sinh.
Thêm vào đó, ruồi cũng là vật lây truyền rất hữu hiệu do chúng bâu vào đủ thứ - từ... phân người bệnh đến mâm cỗ của con người.
6. Giun xoắn Trichinella spiralis
Trichinella spiralis là một dạng giun tròn đường ruột, còn có tên gọi khác là giun tròn lợn do chúng chủ yếu ký sinh trong cơ thể lợn. Chúng ta sẽ nhiễm phải loài giun này nếu ăn thịt lợn nhiễm giun chưa được nấu chín kỹ, hoặc ăn các thực phẩm không qua chế biến nhiệt như thịt hun khói.
Khi xâm nhập cơ thể, những con giun tròn sẽ đẻ ra hàng ngàn ấu trùng mới, ẩn nấp dưới những cơ bắp của chúng ta. Do đó, bệnh nhân sẽ cảm thấy nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức cơ bắp và mắt sưng phù. Nếu để biến chứng vào tim, khả năng tử vong của bệnh nhân là rất cao.
7. Sán lá gan Opisthorchiidae
Khác với sán lợn, chúng ta nhiễm phải sán lá gan khi ăn phải các loài cá sông, hồ chưa được nấu chín, hoặc khi ăn cá khô, cá muối, cá hun khói. Những loài cá này bản thân không có sán, nhưng chúng cũng nhiễm sán khi ăn ốc có chứa trứng sán.
Khi xâm nhập cơ thể người, sán lá gan "hạ neo" tại bàng quang và túi mật, sau đó đẻ trứng lẫn vào phân. Trứng sẽ theo phân xâm nhập vào các nguồn nước để bắt đầu một vòng đời mới.
Sán lá gan không gây triệu chứng cụ thể trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, chúng chính là thủ phạm gây ung thư gan và túi mật ở người.
8. Giun đũa Ascaris
Có tới 25% dân số thế giới hiện đang nhiễm phải loài giun này. Giun đũa Ascaris là loài giun tròn ký sinh lớn nhất có thể lây lan cho con người, với chiều dài lên tới 25cm.
Khi xâm nhập cơ thể, trứng giun nở thành ấu trùng, theo máu tiến đến phổi rồi "đánh chiếm" cả đường khí quản nối với cổ họng.
Ấu trùng sau đó được "nuốt" ngược trở lại dạ dày và ruột, rồi mới trở thành cá thể trưởng thành.
Giun cái có thể đẻ hàng ngàn quả trứng/ngày, theo phân đi ra ngoài môi trường. Nếu ăn phải thực phẩm nhiễm trứng giun, giun đũa sẽ tiếp tục lây lan ra cộng đồng.
Mức độ nguy hiểm của giun đũa tùy thuộc vào số lượng giun bị nhiễm. Trong một số trường hợp, giun đũa có thể chui vào ống mật, gây tắc và tạo ra những cơn đau khủng khiếp. Thậm chí nếu "cộng đồng" giun đũa phát triển quá mạnh có thể gây tắc ruột, nguy hiểm đến tính mạng.
Để phòng các bệnh do ký sinh trùng, Bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo người dân nên:
Giữ môi trường sống sạch sẽ Ăn uống hợp vệ sinh Không ăn thực phẩm chưa nấu chín như gỏi cá, tiết canh... Luôn rửa tay sạch với xà phòng trước và sau khi đi vệ sinh Hạn chế thả rông lợn, nếu nuôi lợn thì phải tuân thủ những quy trình xử lý phân, ngăn cách địa điểm nuôi với môi trường sống Tẩy giun sán định kỳ