8 hiệp hội hỏa tốc kiến nghị về dự thảo Luật thực hiện dân chủ cơ sở
Cho rằng Luật thực hiện dân chủ cơ sở không cần thiết và thiếu thuyết phục, 8 hiệp hội đã có văn bản kiến nghị bỏ doanh nghiệp tư nhân là đối tượng của Luật này.
Dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở đang được lấy ý kiến tại Quốc hội và dự kiến được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10/2022. Dự thảo Luật này quy định mới việc thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động.
Mới đây, sau khi nghiên cứu Dự thảo, 8 hiệp hội doanh nghiệp gồm Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam, Hội Lương thực, thực phẩm Tp.HCM, Hội Thực phẩm minh bạch, Hội Dệt may Việt Nam, Hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Chè Việt Nam, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy đã có văn bản kiến nghị gửi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Đại diện các hiệp hội cho rằng Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở nếu áp dụng cho doanh nghiệp tư nhân sẽ gây ra nhiều khó khăn và chưa phù hợp với thực tế.
Theo các hiệp hội, doanh nghiệp tư nhân bản chất vận hành theo cơ cấu tự đầu tư để gây dựng doanh nghiệp bằng chính nguồn vốn của mình, không phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước.
Vì vậy doanh nghiệp tư nhân có quyền quyết định việc quản trị doanh nghiệp mà không cần phải hỏi ý kiến người lao động. Luật pháp cũng quy định về việc doanh nghiệp có quyền tự chủ trong kinh doanh.
Nếu Luật này áp dụng cho doanh nghiệp tư nhân thì chỉ nên áp dụng ở mặt bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động như hiện tại Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn đã có quy định dựa trên cơ chế giám sát, kiểm tra và thương lượng.
Thêm nữa, doanh nghiệp tư nhân được cho đang thực hiện quy chế dân chủ rất tốt theo luật pháp quy định (như Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn)..., việc thêm Luật tực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ gây ra sự chồng chéo, trùng lặp không cần thiết.
Mặc khác, các doanh nghiệp đã có tổ chức công đoàn để đại diện cho người lao động, không nên phát sinh thêm một tổ chức mới là thanh tra nhân dân hoạt động chồng chéo, gây tốn chi phí, tốn nhân lực cho Công đoàn và doanh nghiệp.
Cũng theo các hiệp hội, việc cung cấp và công khai hết toàn bộ thông tin của doanh nghiệp, đặc biệt là những thông tin bí mật trong quản trị doanh nghiệp như tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình hoạt động, thang lương, bảng lương... cho toàn thể người lao động, Công đoàn, ban thanh tra nhân dân là không phù hợp, không chính đáng, đi ngược lại với quyền tự chủ của doanh nghiệp theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Sở hữu trí tuệ.
Các doanh nghiệp cũng lo ngại việc trao quyền cho người lao động, ban thanh tra nhân dân quá nhiều, vượt quá quyền lợi hợp pháp chính đáng, khiến cho người lao động dễ dàng phát sinh ra yêu sách, kết bè phái, gây nhiễu cho chủ doanh nghiệp..., gây bất ổn cho doanh nghiệp và xã hội.
"Trên thế giới, hầu hết các nước không có những nội dung quy định pháp luật bắt buộc tất cả các doanh nghiệp phải thực hiện như của dự thảo Luật mà chỉ thông qua thỏa ước giữa doanh nghiệp và người lao động. Điều này khiến cho môi trường kinh doanh và đầu tư bị xấu đi nghiêm trọng", đơn kiến nghị chỉ rõ .