8 câu hỏi giúp trẻ xây dựng khả năng tự nhận thức vấn đề khi phạm lỗi

Chia sẻ Facebook
16/07/2022 13:39:58

Nhiều bậc phụ huynh thường đánh mắng khi trẻ phạm lỗi, nhưng nếu làm vậy sẽ khiến trẻ bỏ lỡ cơ hội tự mình nhận thức vấn đề.

Trong quá trình trưởng thành, không tránh khỏi việc trẻ phạm lỗi, việc đánh mắng chỉ khiến trẻ bỏ lỡ cơ hội tự mình nhận thức vấn đề. Chuyên gia chỉ ra rằng lúc này cha mẹ nên để trẻ học cách tự suy xét, đánh giá vấn đề và phân biệt đúng sai. 8 câu hỏi dưới đây giúp rèn luyện khả năng tư duy của con và giảm xung đột giữa cha mẹ và con cái.

Khi trẻ làm điều gì sai, nên để trẻ học cách tự suy nghĩ, tự đánh giá vấn đề và phân biệt đúng sai. Mặc dù đôi khi trẻ có một số câu nói không qua suy xét thấu đáo, nhưng dù sao đây mới là quá trình trưởng thành của trẻ. (Ảnh: Fizkes/ Shutterstock)

Câu hỏi 1: Đã xảy ra chuyện gì với con?


Câu hỏi dường như phổ biến này lại thực sự rất quan trọng. Khi trẻ mắc lỗi, trước tiên đừng vội vàng đưa ra những nhận định ​và những phán đoán theo thói quen như: “Nhất đình con đã đánh bạn trước, bạn mới đánh lại chứ”; “Chắc con đã làm gì sai, nên cô giáo mới phạt con chứ.”


Trước tiên bạn nên thật bình tĩnh, đứng trên góc độ và cố gắng hiểu suy nghĩ của trẻ, đồng thời cho trẻ cơ hội nói. Ngay cả khi đó thực sự là lỗi của trẻ, hãy để trẻ nhận ra sau khi suy nghĩ về nó, vừa làm giảm khoảng cách giữa cha mẹ và con cái lại khiến trẻ tình nguyện thừa nhận sai lầm.

Câu hỏi 2: Con có ổn không? Bây giờ con cảm thấy thế nào?


Sau khi hiểu chuyện gì đã xảy ra và trẻ nghĩ gì, đừng vội dạy lý lẽ, mà hãy cố gắng hiểu sâu hơn cảm xúc trong lòng trẻ. Bởi vì, xuất phát điểm làm việc này của trẻ có thể chỉ đơn thuần là đem suy nghĩ và ý tưởng của mình ra thực hiện, mà chưa hiểu được hậu quả nghiêm trọng của sự việc.


Nghiên cứu về não bộ cho thấy rằng khi một người xúc động mạnh, các kích thích bên ngoài không dễ dàng được não bộ hấp thụ. Có nghĩa là, khi một người đang trong trạng thái kích động, thường sẽ không tiếp thu nổi những gì người khác nói. Hãy đợi cho đến khi tâm tình của họ bình ổn lại rồi họ mới có thể nghiêm túc suy nghĩ.


Vì vậy, nếu muốn trẻ lắng nghe ý kiến ​​của mình, trước hết chúng ta cần phải đồng cảm với cảm xúc của trẻ, để trẻ được bày tỏ suy nghĩ, đồng thời dạy trẻ cách trút bỏ cảm xúc tiêu cực một cách đúng đắn.

Câu hỏi 3: Giờ con muốn phải như thế nào?


Sau khi để trẻ bộc lộ cảm xúc, bạn hãy hỏi xem trẻ muốn làm gì tiếp theo, để cho trẻ suy xét. Có thể lúc đó, trẻ con sẽ vô tư nói những điều bạn cảm thấy không thuận tai, nhưng cha mẹ nên bình tĩnh và điềm đạm, đừng vội dạy trẻ mà hãy bình tĩnh tiếp hỏi trẻ các câu hỏi tiếp theo.

Câu hỏi 4: Con có nghĩ ra phương pháp gì giải quyết việc này không?


Trong khi trẻ đang suy xét, cha mẹ có thể cho trẻ một số lời khuyên để trẻ tìm ra các cách giải quyết vấn đề. Mặc dù đôi khi trẻ có một số câu nói không qua suy xét thấu đáo, nhưng dù sao đây mới là quá trình trưởng thành của trẻ.

Trong khi trẻ đang suy xét, cha mẹ có thể cho trẻ một số lời khuyên để trẻ tìm ra các cách giải quyết vấn đề. (Ảnh: Shutterstock)

Câu hỏi 5: Con thử tưởng tượng xem những phương pháp này của con sẽ có hậu quả gì không?


Tiếp tục với câu hỏi này để cho trẻ suy nghĩ xem hậu quả của những phương pháp trẻ đưa ra là gì? Và bạn sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng hầu hết trẻ đều hiểu hậu quả của nó. Khi trẻ có thể tự nhận thức được hậu quả của chúng thì rất dễ để hai bên cùng thảo luận, từ đó giúp trẻ nhận thức được thực tế tính chất vấn đề.

Câu hỏi 6: Vậy con quyết định sẽ làm gì?


Sau khi giúp trẻ phân tích ưu nhược điểm của tất cả các phương pháp, bước tiếp theo là hỏi về quyết định của trẻ. Ngay cả khi lựa chọn của trẻ không đáp ứng được mong đợi của bạn, cũng hãy tôn trọng quyết định của trẻ. Điều này cũng là để dạy trẻ rằng phải tôn trọng ý kiến ​​và quyết định của người khác cho dù là bản thân không đồng ý với quyết định đó.

Câu hỏi 7: Con hy vọng bố mẹ sẽ làm gì cho con?


Sau khi trẻ đưa ra quyết định, cha mẹ hãy thể hiện thái độ ủng hộ, điều này sẽ giúp tăng cường sự tự tin cho trẻ, đồng thời khiến bạn và con gần gũi nhau hơn. Bạn cũng có thể thử hỏi trẻ xem cha mẹ có cần làm gì không, có thể thảo luận sâu hơn nữa.

Câu hỏi 8: Lần sau nếu gặp lại việc này con nên làm như thế nào sẽ tốt hơn?


Sau khi sự việc qua đi, bạn có thể quay lại hỏi con câu hỏi này. Cho con có thể có cơ hội nhìn nhận vấn đề để lần sau gặp lại con sẽ có phương pháp giải quyết tốt hơn, như thế vừa giúp con có thêm năng lực phán đoán vừa là yếu tố quan trọng giúp con trưởng thành.


Minh Tâm/ Vision Times

Món quà sinh nhật đến từ người cha trong trại cưỡng bức lao động Trung Quốc "Đây là bài thơ líu lưỡi do cha tôi viết (trong trại lao động), là món quà sinh nhật của ông ấy dành cho tôi..."

Chia sẻ Facebook