70% người bị COVID-19 nguy kịch hồi sinh từ ICU
Theo thống kê, có khoảng 69,4% bệnh nhân COVID-19 nguy kịch hồi phục và 30,6% bệnh nhân không qua khỏi tại Bệnh viện hồi sức (ICU) lớn nhất TP.HCM.
Có thể thấy, đại dịch COVID-19 là một thách thức lớn chưa từng có tiền lệ với hệ thống ICU Việt Nam. Cần phát triển hệ thống ICU ra sao?
Thành công trong thử thách
Theo khảo sát từ Bộ Y tế, năm 2021 cả nước có khoảng 16.000 giường bệnh hồi sức tích cực. Tuy nhiên, số lượng chỉ mang tính hình thức khi nhiều bệnh viện có giường hồi sức nhưng không có hệ thống oxy trung tâm, hệ thống khí nén nên không sử dụng được máy thở; thiếu camera, thiếu hệ thống theo dõi trung tâm hoặc có những nơi chưa thực hiện được các kỹ thuật hồi sức tích cực nâng cao như thở máy xâm nhập, không xâm nhập, tim phổi nhân tạo (ECMO), lọc máu...
Ngoài vấn đề trang thiết bị và kỹ thuật, thì cả nước chỉ có khoảng 2.000 bác sĩ làm việc tại khoa hồi sức tích cực. Do đó thiếu hụt nhân lực trầm trọng, nhất là một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có nơi toàn tỉnh nhưng chỉ có một bác sĩ phụ trách chuyên khoa này. Trước những khó khăn, thách thức trên, việc đề ra kịch bản ứng phó với một đại dịch lây nhiễm toàn cầu tưởng chừng như việc "châu chấu đá xe".
Thế nhưng ngành y tế Việt Nam thời gian qua đã có những chiến lược đúng đắn, kịp thời chỉ định thành lập 12 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia đặt tại các bệnh viện trên cả nước. Bệnh viện quy mô 1.000 giường ICU được TP.HCM gấp rút thành lập, với hơn 530 y bác sĩ đã đến làm việc.
Từ ngày 14-7-2021 đến ngày 22-3-2022, bệnh viện đã tiếp nhận 5.040 bệnh nhân, điều trị thành công và cho xuất viện được 3.500 bệnh nhân (chiếm 69,4%) và có 1.540 bệnh nhân không qua khỏi (chiếm 30,6%). Nếu không xây dựng bệnh viện, với năng lực hiện hữu, có thể con số tử vong đã không dừng lại ở 30,6%.
Khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC)... đã đưa ra những mô hình để phòng ngừa cũng như chuẩn bị ứng phó và phục hồi sau đại dịch.
Đó là mô hình "3S" gồm Space (giường bệnh), Stuff (trang thiết bị y tế), Staff (hệ thống nhân viên y tế). Tuy nhiên, sau 2 năm đại dịch, hệ thống đáp ứng của "3S" dường như không đủ. Đến đầu năm 2022, theo WHO, phải bổ sung thêm System (hệ thống điều phối nhân lực) và Support (sự chung sức của toàn xã hội), thành mô hình "5S" mới trọn vẹn.
Ví như tại nước ta, trong đại dịch có thêm lực lượng tình nguyện viên tôn giáo, sinh viên... mới đủ đáp ứng công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân COVID-19.
Thực tế ở các quốc gia trên thế giới, tình trạng thiếu thốn nguồn nhân lực và trang thiết bị gây ra sự bất lực trong ICU. Sau giai đoạn đỉnh dịch, các trung tâm/bệnh viện hồi sức lần lượt giải thể, vậy liệu pháp nào cho một tình huống khẩn cấp có thể xảy ra trong tương lai tương tự như COVID-19?
Mình không thể biết trước được tương lai đại dịch sẽ như thế nào. Trước những khủng hoảng y tế từ đại dịch, có thể thấy vượt qua những thách thức hôm nay sẽ giúp chúng ta chăm sóc tốt hơn cho các bệnh nhân trong tương lai.
Bác sĩ Thảo nhấn mạnh
Định hướng ICU trong tương lai
Dù hiện nay dịch bệnh COVID-19 tại TP.HCM tương đối ổn định khi số ca nhiễm cả nước giảm sâu, số bệnh nhân nặng giảm mạnh. Tuy nhiên, PGS Phạm Thị Ngọc Thảo - phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - cho rằng chúng ta không loại trừ khả năng xuất hiện những biến chủng mới trong thời gian tới, và dịch bệnh sẽ còn diễn ra như thế nào, nên cần phải có giải pháp cho tương lai.
Theo bác sĩ Thảo, hạn chế tối đa bệnh nhân tử vong trong đại dịch mới được xem là thành công và đó là điều quan trọng nhất. Sau đại dịch, vai trò của ICU vô cùng quan trọng và cần phải được lồng ghép trong một mô hình phối hợp với toàn bộ hệ thống chăm sóc y tế. Do đó, các đơn vị hồi sức trên thế giới đã đưa ra các mô hình để thay đổi.
Trước tiên là vấn đề nhân lực đáp ứng phải đủ. Thực tế cho thấy, nếu tỉ lệ bác sĩ và nhân viên y tế ở ICU xuất hiện nhiều thì gần như những đơn vị có chất lượng chăm sóc tốt, số lượng bệnh nhân được cứu chữa thành công cao hơn so với những nơi chỉ chăm sóc qua hệ thống camera. "Với ICU là phải có người chăm sóc, chứ ICU mà không có người là hơi bị mệt", bác sĩ Thảo nói.
Bên cạnh đó, các nhân viên y tế ở ICU phải được đào tạo đặc biệt, đây là vấn đề rất khó trong đại dịch. Để đào tạo nhân viên y tế ở ICU cần phải có những thủ lĩnh quyết định các vấn đề liên quan.
Song song đó cần phải mở rộng các khoa ICU, củng cố từ nhân lực đến trang thiết bị, dược phẩm, vật tư... Những bài học kinh nghiệm qua công tác phòng chống dịch cho thấy, đối với cấp cứu và hồi sức cần có sự diễn tập, nếu không có sự diễn tập sẽ không thành công. Tuy nhiên, hiện nay diễn tập dân sự chưa nhiều.
Như vậy có thể thấy, những thách thức mà ngành y tế Việt Nam phải thay đổi trong ICU bao gồm cải thiện công suất và thiết kế giường ICU; điều chỉnh linh hoạt nhân sự ICU; cải thiện vấn đề giao tiếp giữa bệnh nhân với gia đình; ứng dụng các phương tiện kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo và nghiên cứu hợp tác nhanh chóng hơn.
'Tôi muốn những câu chuyện của chúng tôi, của các phòng ICU được nhiều người biết, để mọi người hiểu rằng bệnh này thật sự đáng sợ, nạn dịch này thật sự đe dọa không chỉ bản thân chúng ta mà cả nước chúng ta', bác sĩ Trần Xuân Sáng tâm sự.