7 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu hơn 2 tỷ USD thịt
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong 7 tháng, xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam ước đạt 276 triệu USD. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã chi tới hơn 2 tỷ USD để nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt. Chuyên gia trong ngành cho biết một trong những nguyên nhân là giá thành chăn nuôi ở Việt Nam cao hơn các nước khác.
Theo truyền thông trong nước, Việt Nam có tổng đàn heo khoảng 25 triệu con, tương đương 3,1 triệu tấn (đứng thứ 5 thế giới).
Trong nửa đầu năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 19.000 tấn thịt heo (chủ yếu là thịt heo sữa đông lạnh), trị giá trên 18,4 triệu USD. Với heo sống, chỉ khoảng 6.800 con.
Ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết giá thành chăn nuôi của Việt Nam khá cao vì các chuỗi cung ứng phụ thuộc bên ngoài rất lớn.
Nguồn thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, con giống của nước ta đều nhập khẩu và nguồn cung do các doanh nghiệp FDI chi phối.
Với chăn nuôi heo, giá thành ở Việt Nam vào khoảng 50.000 đồng/kg. Với những trang trại lớn, tự chủ được con giống, giá thành khoảng 45.000 – 48.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, ở các nước châu Âu, con số này chỉ khoảng 35.000 đồng/kg. Còn ở châu Mỹ (Mỹ, Brazil), giá chưa tới 25.000 đồng/kg. Nếu so với các nước như Thái Lan, Trung Quốc, giá thành sản xuất heo của Việt Nam đang chênh lệch lớn.
Đến nay Việt Nam mới chỉ có 67 nhà máy chế biến thịt quy mô công nghiệp, sản phẩm giá trị gia tăng cao (đồ hộp, hun khói, xúc xích…). Quy mô chế biến thịt heo của nước ta mới chỉ ở mức 1,3 triệu tấn/năm, chiếm 20-22% sản lượng heo thịt xuất chuồng.
Theo báo tỉnh Đồng Nai (tỉnh có số lượng đàn heo rất lớn), vài tháng trở lại đây, giá heo hơi ổn định ở mức khoảng 60.000 đồng/kg. Từ nay đến Tết Nguyên đán 2024 còn khoảng 4-5 tháng, người chăn nuôi bắt đầu tính chuyện tái đàn mùa cuối năm, giai đoạn thị trường tiêu thụ tốt nhất trong năm.
Tuấn Minh