7 tháng đầu năm, Việt Nam chi gần 5 tỷ USD nhập khẩu xăng dầu

Chia sẻ Facebook
08/08/2023 12:20:35

Trong 7 tháng qua, các doanh nghiệp đã chi gần 5 tỷ USD để nhập khẩu xăng dầu cung ứng cho thị trường trong nước.

Việt Nam chi gần 5 tỷ USD nhập khẩu xăng dầu


Báo Tiền Phong dẫn nguồn thống kê của Bộ Công Thương, trong 7 tháng qua, các doanh nghiệp đã chi gần 5 tỷ USD để nhập khẩu xăng dầu các loại, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước để đảm bảo nguồn cung thị trường trong nước trong bối cảnh Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn tạm dừng bảo dưỡng.

Theo số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu xăng dầu các loại tháng 7 ước đạt 120.000 tấn, trị giá 90 triệu USD, tương đương 80,2% và 52% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 1,26 triệu tấn xăng dầu trị giá 1,02 tỷ USD.

Cụ thể, ở chiều nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu xăng dầu các loại tháng 7 ước đạt 1,05 triệu tấn với tổng trị giá 790 triệu USD. Lượng nhập khẩu này bằng 161% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng, các doanh nghiệp đã nhập khẩu tổng cộng 6,26 triệu tấn, trị giá 4,95 tỷ USD.

Lượng xăng dầu các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong những tháng đầu năm 2023 chủ yếu từ Hàn Quốc đạt 2,07 triệu tấn, tăng 7,4%; Singapore đạt 1,36 triệu tấn, tăng 113%; Malaysia đạt 885 nghìn tấn, tăng 13,3%...

Theo Bộ Công Thương, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và thời gian qua Bộ này luôn theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu trong nước và thế giới để kịp thời chỉ đạo hoặc kiến nghị các cơ quan chức năng những giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

Đáng chú ý, trên cơ sở kết quả thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, kế hoạch bảo trì nhà máy của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và dự báo nguồn cung xăng dầu trong nước trong 6 tháng cuối năm, Bộ Công Thương đã thực hiện điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu 6 tháng cuối năm cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cho phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Đây là lý do nhập khẩu xăng dầu các loại có dấu hiệu tăng lên trong tháng 7 vừa qua.

Những tháng đầu năm nhập khẩu xăng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh minh họa.

Không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu

Để không làm gián đoạn và thiếu nguồn cung xăng dầu phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện hoặc đề xuất lên Chính phủ các biện pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu khi thị trường xảy ra biến động bất thường


Thông tin trên báo Công Lý , tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ vào đầu tháng 7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ đã thường xuyên rà soát, điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu theo từng quý, phù hợp với năng lực và khả năng đáp ứng của từng doanh nghiệp đầu mối nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.

Bộ cũng tăng cường theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp đầu mối thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu theo đúng số lượng, tiến độ, đặc biệt trong thời gian nhà máy lọc dầu Nghi Sơn tạm dừng hoạt động trong 55 ngày để bảo dưỡng từ ngày 25/8/2023.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với UBND tỉnh, thành phố đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu tại các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, xử lý nghiêm các vi phạm;

Ngoài ra, Bộ chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giám sát các nhà máy lọc dầu, chủ động chuẩn bị các phương án để bảo đảm hoạt động ổn định, cung cấp đủ nguồn hàng ra thị trường theo cam kết; đồng thời, chuẩn bị các phương án (cả về kỹ thuật, nhân lực, vật tư, nguyên liệu) để hoạt động hết (và vượt) công suất nhằm tăng thêm nguồn cung cho thị trường.

Đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối chủ động tính toán sản lượng xăng dầu thiếu hụt từ nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn trong giai đoạn bảo dưỡng để xây dựng kế hoạch tạo nguồn cung ứng xăng dầu cho hệ thống phân phối và thị trường, không được để xảy ra tình trạng gián đoạn, đứt gãy nguồn cung.

Năm nay, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính trong việc cập nhật, điều chỉnh kịp thời các chi phí kinh doanh xăng dầu, đồng thời điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới, sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ Quỹ Bình ổn giá theo quy định của pháp luật, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.


Việt Nam nhập gần 9 tỷ USD xăng dầu năm 2022


VTV dẫn nguồn báo cáo từ Tổng cục Hải quan, tính chung lượng nhập khẩu xăng dầu trong năm 2022 là là 8,87 triệu tấn, tương đương trị giá đạt 8,97 tỷ USD, tăng mạnh 27,7% về lượng và tăng 118,5% (tương ứng tăng 4,86 tỷ USD) so với năm 2021.

Trong đó, lượng dầu diesel nhập về đạt 4,74 triệu tấn, chiếm 54% lượng xăng dầu các loại nhập khẩu của cả nước; lượng xăng nhập về đạt 1,7 triệu tấn, chiếm 21%; lượng nhiên liệu bay nhập về đạt 1,46 triệu tấn, chiếm 16% lượng nhập khẩu xăng dầu của cả nước.

Lượng nhập khẩu xăng dầu các loại vào Việt Nam trong năm 2022 chủ yếu từ Hàn Quốc là 3,22 triệu tấn, tăng 96,3%. Tiếp theo là Singapore, Malaysia với sản lượng lần lượt gần 1,5 triệu tấn và 1,42 triệu tấn.


Trúc Chi (t/h)

Chia sẻ Facebook